Con người là một tuyệt tác của Đấng Tạo hóa. Là một kết hợp kỳ diệu tình yêu của Cha Mẹ một cách trân quí và hạnh phúc nhất. Vừa cất tiếng khóc chào đời, con người bé xíu ấy, đã làm cho người đàn bà cảm nhận ngay một thiên chức thật quan trọng - Đó là làm MẸ. Đồng thời được gắn liền với người CHA bằng một sợi dây vô hình. Tình cảm thiêng liêng rất cao quí ấy có cái tên đáng kính là tình CHA MẸ
Có lẽ con người bắt đầu bằng tình yêu của đấng sinh thành,nên tình cảm đối với đời sống con người rất quan trọng. Vì thế ai cũng cần đến Tình Yêu, Thương để lớn lên trong mái ấm gia đình.Và Tình Người để cư xử khi ra ngoài xã hội. Khi đến với tuổi lứa đôi, ai cũng mơ ước có được một mối tình đẹp và trọn vẹn, để cùng dắt tay nhau vào đời. Thế nhưng mấy ai được toại nguyện. Chúng ta chưa nói đến yếu tố xã hội cũng tác động không ít đến đời sống con người.
Thế hệ chúng ta chẳng may bị chiến tranh. Sự chết chóc, ly tan đã ảnh hưởng không ít đến tâm lý và tình cảm con người. Rồi sự kết thúc cuộc chiến ngoài sự mong đợi. Tất cả bị cuốn theo vào khúc quanh lịch sử đất nước. Những cảnh tang thương xảy đến bao trùm cả miền Nam chúng ta.Bị mất mát nhiều cách, bị chết chóc nhiều cảnh thật ghê rợn và tàn khốc nhất trong lịch sử Việt nam. Một trong những hoàn cảnh bi thảm đó là gia đình cô Phượng. Nàng là nhân vật chính của một câu chuyện được đăng trong đặc san Bạc-Liêu cách đây vài năm có tựa ĐÔI MẮT PHƯỢNG. Rất tiếc là tôi không nhớ tên của tác giả. Theo ông, đây là câu chuyện có thật .Tôi đọc nhiều lần,mà lần nào cũng làm tôi suy nghĩ và thương cảm về số mệnh nghiệt ngã của cô.
Cô là người đàn bà có đôi mắt rất đẹp. Chàng sinh viên y khoa chỉ sau một lần gặp đã tương tư cô,và luôn cầu mong được làm chủ đôi mắt ấy. Rồi anh cũng được toại nguyện. Nhưng về sau anh bị mất dần những người bạn chỉ vì họ say đắm cặp mắt cô. Hơn thế nữa, có người tự kết liễu đời mình, để lại thư tuyệt mạng vì không được chết trong đôi mắt của nàng! Người ta thường nói :
-Cặp mắt là cửa sổ của tâm hồn.
Nhưng trong cặp mắt của cô không những chỉ thể hiện tình cảm và cá tính của con người.Nó còn ẩn chứa một đức tính rất hiếm nơi người đàn bà là lòng can đảm và sự hy sinh cao cả cho người khác. Vì chồng là bác sỹ, có lắm bạn bè và tiệc tùng nhưng nàng đều từ chối để tham dự, chỉ vì cô muốn sự bình an cho mọi người và bảo vệ hạnh phúc cho chồng con.
Chồng nàng vào tù, nàng tìm mọi cách để cho chồng được ra khỏi. Rồi sau đó nàng tìm đường cho cả gia đình vượt biên. Bằng hết khả năng và sức lực của mình, để mong đạt đến mục đích là tương lai cho chồng con. Nhưng con tàu định mệnh đã cướp đi tất cả! Vì tàu chết máy, tấp vào đảo san hô không có nguồn sống. Đói khát lâu ngày, người chết làm thức ăn cho những người chỉ còn sống vật vờ. Ngay đứa con gái nhỏ trong tay, mà chồng nàng cũng không giữ lại được! Nàng ôm đứa con tám tháng tuổi và cố gắng nuôi sống nó bằng những giọt máu cuối cùng. Nàng kiệt sức và ra đi! cùng lúc đó có tàu đến cứu nhưng đã quá muộn!
Ôm xác vợ khô đét trong tay, với nỗi đau tột cùng trong lòng!.Anh càng xót xa thêm khi thấy trên từng đầu ngón tay của người vợ đều có dấu cắt. Nàng dùng máu mình để thay sữa cho con! Tôi muốn sơ lược lại câu chuyện này để nói lên tình yêu của nàng đối với chồng con quá lớn lao khiến nhiều người phải khâm phục.
Gần ba mươi năm,người chồng đã phải sống như thế nào bên đứa con riêng của nàng. Đó là hình ảnh, là dấu vết sâu đậm về sự hy sinh của vợ mình cho anh. Làm sao anh quên được câu nói mà nàng thường an ủi anh trong những lúc cuộc sống quá tuyệt vọng sau khi anh ra khỏi Tù:
- Mọi việc em làm chỉ vì em yêu anh và con của chúng ta !...
Có lẽ những ngày tháng còn lại anh sống với những kỷ niệm đẹp với nàng xưa kia. Anh nuôi dạy đứa bé học hành thành tài và đã trở thành một vị bác sĩ ở xứ người. Đó là cách an ủi duy nhất trong anh đối với người vợ quá cố.
Sau khi nghe câu chuyện về người Mẹ hy sinh cho mình,vị bác sĩ liền đổi nghề, học làm phim và mong hoàn thành cuốn phim mà nhân vật chính là người Mẹ can đảm của mình. Nhân dịp Lễ Tạ Ơn, và những ngày lễ lớn hàng năm sắp đến. Hội Đồng hương Bạc liêu sẽ có ngày họp mặt thường niên vui vẻ. Tôi xin đóng góp vài mẫu chuyện vui buồn cách đây đã trên ba mươi năm mà tôi còn nhớ rất rõ. Bỡi vì trong thâm tâm của người thọ ơn không bao giờ quên, hay nói đúng hơn là không có quyền được quên. Ngược lại người làm ơn, họ chỉ tình cờ và làm theo lương tâm coi như một điều tất yếu. Đó là đức tính của những người có giàu TÌNH-NGƯỜI.
Tôi mượn nơi đây để ghi lại,và thành tâm nói một lời biết ơn rất chân tình đối với những vị ân nhân đó. Năm 75 tất cả người miền nam coi như một dấu ấn quan trọng, một nỗi đau đớn lớn nhất trong cuộc đời. Sự giàu có và trình độ kiến thức đã trở thành những cái tội phải vào tù hay bị tống khứ ra đi. Không may mắn cho thế hệ chúng ta bị cuốn theo khúc quanh lịch sử đầy bi thương này. Lứa tuổi năng động và đầy nhiệt huyết của quốc gia đều bị vào khám đường. Đồng thời vợ các anh ở ngoài cũng bắt buộc phải đăng ký “học tập” một tuần. Đa phần các chị em chúng tôi còn rất trẻ. Rời ghế nhà trường không bao lâu. Dáng vẻ của cô nữ sinh chưa kịp nhạt phai mà bắt đầu phải đối phó với nghịch cảnh.
Tôi, cô em chồng và người dì của ông xã đến ghi danh một lượt. Bà là phu nhân của vị đại tá,vì nhà mới vừa tịch thu nên về tạm tá túc với chị em ở Bạc liêu. Tôi đang có thai nên ba dì cháu ngồi ở cuối hội trường để có chỗ dựa lưng. Vào ngày cuối ai cũng bị kêu lên để trả bài. Đến lượt tôi, cô Tám (tên cô giáo dạy) nói lớn trên micro:
Nguyễn T T T vợ của Đại tá nguỵ Huỳnh V Chính . Cả lớp im phăng phắc đều hướng về phía tôi đang đi lên.Tôi nghe các chị nói nho nhỏ và có vẻ thương cảm:
- Tội nghiệp!còn trẻ quá mà chồng chức vị lớn giờ phải lo đủ thứ cho cuộc sống…
Tôi đứng trước mặt bà và trước tiên tôi xin đính chánh điều bà dò lộn hàng, vì tôi sợ khi bà kêu tên người dì lại là vợ của đứa cháu thì càng thấy kỳ hơn nữa.Nhưng bà không cần nghe tôi nói gì. Chắc bà nghĩ sự trả bài mới là quan trọng hơn chăng? Vì thế cả lớp ai cũng nghĩ tôi là Bà đại tá. Chồng tôi, tuy anh được sinh ra và lớn lên ở Bạc liêu,nhưng anh làm việc ở tận Hà tiên. Sợ nguy hiểm anh đưa tôi về quê chồng trước để chờ ngày sanh. Vì thế anh bị kẹt lại và bị vào tù.Vợ chồng người dì cũng không làm ở BL nên không mấy ai biết chúng tôi nhiều. Ngày hôm đó sau khi trả nợ xong ai cũng mừng. Các chị xuống tận chỗ tôi ngồi để thăm hỏi “Bà đại tá” một cách ân cần. Sau khi hiểu ra là không phải, khiến ai cũng cười. Muốn đề nghị “cô giáo” cần phải học thêm vài khóa từ những người học trò của bà.
Vài tháng sau tôi sanh cháu bé ở bệnh viện tư của BS Nguyễn Tú Vinh. Chỉ vài ngày sau, đúng ngày rằm tháng bảy. Tôi vẫn còn nằm ở bệnh viện. Loa phóng thanh khắp nơi loan báo về mấy vị sĩ quan của chúng ta bị tử hình ở sân vận động. Tôi ôm đứa con còn đỏ lói trong tay để tự an ủi cho chính mình và cũng bớt đi sự lo sợ. Nhưng cái loa họ đặt không xa phòng tôi nằm . Họ lặp đi lặp lại nhiều lần như một thành tích mà họ đạt được sáng nay. Nghe có tiếng chân bước và cánh cửa mở ra. Bà nội cháu nhẹ nhàng bước vào với nụ cười phúc hậu cố hữu của bà. Bà đặt xách cơm trên bàn và hỏi sức khỏe hai mẹ con tôi với ánh mắt thật hiền từ. Bà đến bồng đứa cháu nội và nói nho nhỏ :
-Tội nghiệp cháu tôi quá ra đời kh ông đúng lúc…
Bà muốn nói gì thêm nhưng lại im lặng. Bà nhìn tôi như muốn nói điều gì,nhưng rồi lại thôi.Tôi hiểu ý bà. Tâm trạng của người mẹ có đứa con trong tù, nỗi lo sợ ấy cũng không khác những gì tôi đang lo nghĩ trong lòng. Người đời thường có thành kiến và ít gần gũi với mẹ chồng. Nhưng bà coi tôi như một đứa con ruột,vì thế tôi cảm thấy mình rất may mắn là được thêm một bà Mẹ và rất đúng nghĩa với hai chữ là Mẹ hiền.
Trước 75 ,sau một thời gian thưa kiện,lấy lại căn phố ngang mặt chợ.Thấy có giá ông bà bán rồi bỏ vào ngân hàng, tính một phần cho con cái và một phần để dưỡng già. Sau75 đã bị mất hết Nên bà rất buồn.Nhìn cảnh con cái thiếu thốn bà thường tự trách nhẹ mình môt câu là số chúng ta không được hưởng mà thôi…tôi nghe mà thấy tội nghiệp cho bà suốt đời chỉ nghĩ đến cho người khác.
Năm tháng trôi qua nặng nề và chậm chạp.Nhưng tính ra cũng gần năm năm rồi. Hai đứa con càng lớn,trại tù chồng tôi càng dời đi xa hơn. Tôi cảm thấy tương lai càng mù mịt và đen tối thêm. Gần cuối năm,tôi thường dắt hai đứa nhỏ đi thăm chúng, coi đó là món quà Tết cho anh đỡ nhớ gia đình khi Xuân về.
Nghe đến đi thăm Ba là hai rất đứa rất mừng. Nhất là thằng lớn đã được sáu tuổi.Lứa tuổi bắt đầu thích tò mò để học hỏi. Nó thắc mắc nhiều việc và thường hỏi về người Ba mà hàng năm chỉ được Mẹ cho đi thăm chỉ một vài lần.Tôi không thể giải thích hết những điều mà tuổi thơ không cần để biết. Cứ mỗi lần như vậy tôi rất buồn và chỉ biết ôm con vào lòng và nói lãng qua chuyện khác.Thằng nhỏ thì vô tư hơn, nghe nói sẽ được đi thăm Ba thì nó đi khoe khắp xóm làng. Nào là được đi xe, nào sẽ gặp Ba và những món quà Tết mà chính tay Ba nó làm..v..v…
Xe đến phà Cần thơ trời còn sớm nên họ cho ba mẹ con chúng tôi ngồi lại trên xe. Đến bắc Mỹ thuận, họ bắt phải xuống hết. Tay dắt hai đứa xuống phà để qua bên kia trước.Thấy xe chưa qua, nên tôi an tâm lựa mua một ít trái cây thêm cho anh. Tôi biết thằng nhỏ thường lăng xăng nên tôi bảo hai đứa hãy vịn vai Mẹ.Thấy đoàn người kẻ lên, người xuống nhộn nhịp.Trong tích tắc,tay nó rời khỏi vai tôi và lẫn vào trong đám người.Tôi hoảng hốt, bỏ lại tất cả và dắt thằng lớn hớt hải chạy ngược về phía cầu bắc trước. Không thấy nó đâu, hai mẹ con chạy theo đoàn người vừa mới đi qua.Tôi chạy len lỏi trong đám người và vừa gọi tên nó. Bổng nghe có tiếng nó gọi lại. Quá mừng, tôi chạy đến và ôm chầm lấy ngay.Thấy tay nó vẫn còn đang nắm chặt tay của người đàn ông đứng bên cạnh. Như sợ tôi hiểu lầm ông vội lên tiếng:
-Tôi thấy thằng bé ngơ ngác,vừa đi vừa khóc tôi đoán là bị lạc mẹ. Hên cho tôi và cũng là sự may mắn cho cô. Tôi cùng đi chiếc đò từ Bạc liêu, và ngồi sau cô chừng vài ghế . Tôi để ý hai cháu nhỏ này vì thấy nó kháu khỉnh và giống nhau quá… Tôi đoán là cô sẽ đến tìm cháu ở quanh đây.
Ông ta nói một hơi dài làm tôi không thể nói lên một lời cảm ơn cho ông được. Trong lúc đó, chiếc xe cũng vừa đến. Ông xin được giúp tôi bồng một đứa lên xe.
-Tôi cảm ơn ông thật nhiều,nếu không có ông thì con tôi sẽ ra sao!
Tôi nói trong xúc động.
Xe chạy, gió mát hai đứa nhỏ ngủ say trong vòng tay tôi. Tuy mỏi mệt nhưng tôi thấy sung sướng vô cùng. Nhìn hai giỏ đồ ăn dưới chân rồi nghĩ đến ngày mai được gặp chồng,và tôi tưởng tượng đến sự vui mừng mỗi khi anh gặp đủ vợ con…Một sự hạnh phúc vừa đến trong tôi và tôi nhắm mắt lại để tận hưởng. Chồng và hai con là tài sản quí giá nhất của tôi hiện tại. Nghe thật đơn giản nhưng muốn giữ gìn để tồn tại, quả thật không dễ trong giai đoạn khốn khó này.
-Đến Cai lậy chú lơ xe nói lớn, và có một vài người xuống nên tôi có thời gian nhìn quanh nơi này. Đối với người miền Nam, trước75 ai cũng biết tên điạ danh này, vì một trái pháo của VC rớt vào trường học và làm học sinh chết rất nhiều. Nhưng đối với tôi, nơi đây còn có nhiều kỷ niệm khó quên khi chồng tôi ở tù gần khu vực này. Người dân ở đây rất hiền hòa và giàu lòng nhân ái,chất phát mà rất tình người.
Một lần nọ, chồng tôi biết sắp sẽ dời trại.Vì bệnh nghề nghiệp, anh chuẩn bị sẵn sàng để đối phó tình huống. Không bao lâu, tôi nhận được cái thơ mà ngoài phong bì chữ viết lạ. Đọc xong mới tôi mới biết vị ân nhân đạp xích lô ở khu vực này, ông đã đến bưu điện Cai lậy gởi bảo đảm cho tôi, sau khi ông ta nhận được tờ giấy viết vội từ xe chở tù quăng xuống đường.
Rồi có một lần kia, cũng vì kẹt phà đến đây quá trễ.Tôi và bà nội cháu tạm ngồi nghỉ bên xe nước mía. Đến khuya cô chủ chuẩn bị dọn đi về. Hai mẹ con chúng tôi tính ngủ qua đêm dưới mái hiên bên lề đường. Biết được cô ta nói với chúng tôi một cách chân thành:
-Chắc là bị lỡ đường,nếu không ngại mời bác và chị vào nhà tôi ngã lưng, nhà xâp xệ nhưng đỡ hơn ngoài này sương gió bui bặm lắm.
Đúng như lời cô nói, nhà rất nghèo chỉ có một cái giường cho gia đình ba người ngủ.Cô dắt mẹ con tôi lên căn gác với cái thang ộp ẹp. Cô lau sạch và lấy chiếc chiếu mới toanh trải ra ngay ngắn, đoạn mở tủ lấy hai chiếc gối ra và nói:
-Sáng mai nếu có cần đi sớm bác cứ gọi con dậy đừng ngại.
Sau một giấc ngủ thật ngon, hai mẹ con chúng tôi thức dậy. Chị mời chúng tôi ăn cháo sáng với gia đình cô.Thấy cách đối xử cho người lỡ đường quá tử tế, chúng tôi lấy ít tiền cho đứa cháu nhỏ, nhưng vợ chồng nhất định không cho lấy. Sau lần đó, thì chồng tôi dời đi nên không có dịp đến thăm gia đình tốt bụng này.
Tôi mãi nhớ về những vị ân nhân mà tôi quên đi thời gian. Cho đến khi xe vào xa cảng tôi mới hay là đã đến nơi. Nhìn cảnh xô bồ và phức tạp ở nơi này khiến tôi lo và không biết đi về nhà người chị bằng cách nào.Tôi lấy một giỏ đồ xuống trước đặt cho hai thằng bé ngồi lên, rồi nhờ chú lơ xe lấy hộ giỏ kia. Bỗng nghe tiếng người hỏi, tôi quay lại.Thì ra vị ân nhân khi trưa :
- Cô có cần tôi giúp cô môt tay không? Ở đây ghê lắm, cô nên cẩn thận.
Thấy tôi có vẻ ngại. Ông nói thêm:
-Nếu cô là người Bạc liêu, thì chúng ta đều là đồng hương.Trước đây nhà tôi có tiệm vải ở chợ.
Tôi biết ông nói để tôi tin tưởng ở ông thêm thôi, chứ thật sự tôi đã tin và mang ơn ông nhiều rồi.
Tôi đáp lời ông một cách thành thật. Đến tiệm ăn trước mặt xa cảng, tôi cảm thấy an tâm và vội nhìn đồng hồ. Ông hiểu ý và nói vội:
-Nếu không có gì quá gấp,tôi xin mời ba mẹ con cô một bữa ăn?Có lẽ đây là lần cuối tôi lên đây để có ít việc. Vào tuần tới chúng tôi phải rời khỏi.
Ông không nói thêm, nhưng tôi đã hiểu.Vì mỗi ngày đều có từng chiếc xe đò chạy ngang trước mặt nhà tôi, những cánh tay đưa ra vẫy chào.Tuy gia đình chúng tôi không đủ đìều kiện đi vượt biên bán chính thức này, nhưng chúng tôi cũng giơ tay chúc mừng họ ra đi may mắn.Tôi nói với ông một câu có vẻ chút khôi hài:
- Trải qua bao nhiêu năm chiến tranh khói lửa, hòa bình đã mấy năm rồi thế mà cuôc sống vẫn chưa yên. Người thì đày lên núi để làm khổ sai, kẻ phải ra biển để đi về một phương trời vô định! Mình không lựa chọn, mà tự nhiên trở thành hai nhóm theo Sơn Tinh và Thuỷ Tinh.
Nghe tôi nói ông cười,rồi nhìn hai đứa bé và chỉ hai giỏ đồ:
- Vậy ngày mai cô đưa hai cháu đi thăm chàng Sơn Tinh của cô?Tôi xin chúc cô đi được bình an.
Trên hai chiếc xe xích lô đi về hai hướng, tôi nói lớn :
-Chúc ông may mắn.
Đã hơn ba mươi năm, tôi vẫn còn nhớ tấm lòng tốt của người ân nhân năm nào. Rất tiếc là tôi cũng chưa kịp hỏi tên của ông và ông cũng không biết tên tôi. Nhưng cả hai đều có tên chung là Nạn Nhân Của Thời Cuộc. Dấu ấn năm 75 không ai trong chúng ta dễ dàng quên được.Vì tất cả chúng ta đều là nhân chứng. Giờ đây được cái tên mới là Việt Kiều Yêu Nước. Nghe có vẻ khôi hài nhưng cũng đúng.Nhưng nhiều khi nghĩ đến cũng ngậm ngùi vì chúng ta đang sống bên ngoài TỔ- QUỐC.
Giờ đây, đa phần cuộc sống của chúng ta đã tạm ổn định. Tuổi cũng sắp sửa đi vào mùa Thu của đời người . Có dịp, chúng ta gặp mặt nhau hàn huyên tâm sự, thăm hỏi và chúc mừng nhau. Hàng năm Hội Đồng Hương Bạc-Liêu có hai lần họp mặt đầu Năm Mới và mùa Hè. Ban tổ chức đều lo mọi việc rất chu đáo. Gia đình chúng tôi tuy ở xa, nhưng năm nào cũng cố gắng lên để chung vui với các bạn. Lần nào chúng tôi đến, các bạn hữu cũng tay bắt mặt mừng và chuyện trò rất thâm tình. Điều mà làm chúng tôi xúc động nhất là bữa tiệc ngoài trời năm này.Chúng tôi thấy CôYến (cựu hội trưởng) với cái mũ to vành, cô đứng nướng thịt và luôn cười nói vui vẻ. Đương kiêm Hội trưởng Anh Lâm Quang Hải chạy lui chạy tới để hoàn thành công việc một cách sốt sắng. Còn vợ anh tuy trời nắng và nóng nhưng chị nhanh nhẹn trong bộ đồ mùa Hè và bận rộn với công việc luôn tay. Ngoài ra, chúng tôi cũng thường thấy vợ chồng anh Du, v/c anh Hoàng, v/c anh Vui, v/c anhNhựt, v/c anh Mã Tính, chị Lan..v..v và rất nhiều người (tôi không nhớ hết tên) đến đóng góp một cách nhiệt tình và cùng chung vui với đồng hương.
THANH-TÂM Lễ Thankgiving 2011