(Một câu chuyện hoàn toàn có thật. Tác giả xin được kể lại nhân dịp 34 năm từ ngày miền Nam thất thủ)
Những năm "cải
tạo"ở miền Bắc, tôi được chuyển đi khá nhiều trại. Từ Lào Cai, xuống Hoàng
Liên Sơn, rồi Nghệ Tĩnh. Khi mới đến Hoàng Liên Sơn, tôi được đưa đến trại Hang
Dơi, nằm sâu trong núi. Đây là một vùng sơn lâm chướng khí, nên chỉ mới gần hai
năm mà tôi đã có hơn 20 người bạn tù nằm lại vĩnh viễn ở dưới sườn đồi.
Sau đó, tôi được chuyển về trại 6/ Nghĩa Lộ. Trại này nằm gần Ban chỉ huy Tổng Trại, và cách trại 5, nơi giam giữ gần 30 tướng lãnh miền Nam, chỉ một hàng rào và mấy cái ao nuôi cá trám cỏ. Ban ngày ra ngoài lao động, tôi vẫn gặp một vài ông thầy cũ, kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện vui buồn. Ngày nhập trại, sau khi "biên chế" xong, cán bộ giáo dục trại đưa 50 thằng chúng tôi vào một cái láng lợp bằng nứa, nền đất, ngồi chờ "đồng chí cán bộ quản giáo" đến tiếp nhận.Vài phút sau, một sĩ quan mang quân hàm thượng úy đi vào láng. Điều trước tiên chúng tôi nhìn thấy là anh ta chỉ còn một cánh tay. Môt nửa cánh tay kia chỉ là tay áo bằng kaki Nam Định, buông thỏng xuống và phất phơ qua lại theo nhịp đi của anh. Không khí trở nên ngột ngạt. Không nói ra, nhưng có lẽ trong đám tù chúng tôi ai cũng có cùng một suy nghĩ : - Đây mới đích thực là nợ máu đây, biết trả như thế nào cho đủ ?.
Nhưng bất ngờ,
người cán bộ quản giáo đến trước chúng tôi , miệng nở nụ cười. Nhìn khuôn mặt
hiền lành, và ánh mắt thật thà, chúng tôi cũng bớt lo âu. Bằng một giọng đặt
sệt Nghệ Tỉnh, anh quản giáo giới thiệu tên mình:
Nguyễn văn Thà, rồi "báo cáo" môt số nội quy, yêu cầu của Trại. Anh
đưa cho anh đội trưởng một tập vở học trò, phát cho anh em mỗi người một tờ giấy
để làm bản "lý lịch trích ngang". Tôi đang ngồi hý hoáy viết cái bản
kê khai lý lịch ba đời với bao nhiêu thứ "tội" dưới biển trên trời mà
tôi
đã thuộc lòng từ lâu lắm - bởi đã phải viết đến cả trăm lần, ngay cả những lần
bị đánh thức lúc nửa đêm - bỗng nghe tiếng anh quản giáo hỏi:
- Trong này có anh nào thuộc Sư Đoàn 23?
Tôi im lặng giây
lát rồi lên tiếng:
- Thưa cán bộ, có tôi ạ,.
- Anh ở trung đoàn mấy
- Trung Đoàn 44
- Vậy anh có tham dự trận đánh Trung Nghĩa ở KonTum đầu mùa hè 1972?
- Vâng, có ạ.
Anh quản giáo
đưa cánh tay bị mất một nửa, chỉ còn cái tay áo đong đưa, lên:
- Tôi bị mất cánh tay này trong trận đó. Nhìn qua anh em, thấy tất cả mọi con
mắt đều dồn về phía tôi. Để lấy lại bình tĩnh, tôi làm ra vẻ chủ động:
- Lúc ấy cán bộ ở đơn vị nào ?
- Tôi ở trung đoàn xe tăng thuộc Sư 320.
Anh quản giáo rảo mắt nhìn quanh, rồi hạ giọng tiếp tục:
- Trận ấy đơn vị tôi thua nặng. Cả một tiểu đoàn tăng của tôi còn có 2 chiếc..
Chiếc T54 của tôi bị bắn cháy. Tôi thoát được ra ngoài, nhưng bị các anh bắt
làm tù binh.
- Sau đó cán bộ được trao trả? Tôi hỏi.
- Tôi bị thương nặng lắm, do chính đạn trong xe tôi phát nổ. Tôi được các anh
đưa về quân y viện Pleiku chữa trị. Nhờ vậy mà tôi còn sống và được trao trả tù
binh đợt cuối cùng năm 1973, sau khi có hiệp định Ba Lê.
Dạo đó, miền Bắc, đặc biệt trên vùng Hoàng Liên Sơn, trời lạnh lắm. Mỗi láng được đào một cái hầm giữa nhà, đốt những gốc cây được anh em nhặt ngoài rừng, sau giờ lao động, mang về sưởi ấm. Tối nào, anh quản giáo cũng uống sinh hoạt với anh em. Gọi là sinh hoạt, nhưng thực ra anh chỉ tâm tình những chuyện vui buồn đời lính, thăm hỏi hoàn cảnh của anh em tù, và khuyên anh em nên cố gắng giữ gìn sức khỏe, đừng làm điều gì sai phạm để không phải nghemấy ông cán bộ nặng lời. Anh thường nói:
- Tôi rất đau lòng, khi thấy các anh phải nghe những lời thô lỗ. Tôi biết các
anh đều là những người có trình độ văn hóa và ai cũng đã từng chỉ huy.
Mùa đông, không trồng trọt được, nên khẩu phần ăn của một nguòi tù chỉ có một miếng bánh mì đen bằng hai ngón tay, hoặc lưng một bát bắp hạt. Phần thiếu ăn, một phần ẩm ướt thiếu vệ sinh, nên nhiều anh em tù bị bệnh kiết lỵ. Thuốc men hoàn toàn không có, nên bệnh kéo dài lâu ngày. Nhiều người đứng không vững.
Một buổi chiều cuối đông, mưa phùn rả rích, sương mù giăng kín cả thung lũng trại tù, cả đám tù chúng tôi ngồi co ro trong láng, cố nhai từng hạt bắp cứng như viên sỏi, nhìn ra cánh đồng phía trước, thấp thoáng một người mang áo tơi (loại áo mưa kết bắng lá cây) chạy lúp xúp từ chỗ này đến chỗ khác, cho đến khi trời tối.
Đêm đó, như
thường lệ, anh Thà xuống sinh hoạt với anh em bên bếp lửa. Anh bảo nhỏ anh đội
trưởng :
- Tôi để một giỏ cá đàng sau láng. Trước giờ ngủ, anh ra
mang vào, chia cho mấy anh bị bệnh kiết lỵ đang mất sức để các anh bồi
dưỡng. Nhớ giữ kín, đừng để trên biết.
Bây giờ anh em mới hiểu, người mà chiều nay, đặt lờ bắt cá ngoài
đồng ruộng chính là quản giáo Thà. Ai cũng cảm động. Biết là anh em tùbị đói
triền miên, nhất là sau mùa đông dài, một buổi sáng đầu mùa xuân , quản giáo
Thà đưa cả đội 50 người tù lên một đồi trồng toàn sắn của một hợp tác xã nào
đó. Sắn đầu mùa, củ còn nhỏ. Anh chỉ cho anh em cách đào lấy củ mà thân sắn vẫn
còn nguyên; đào mấy cái bếp "Hoàng Cầm" để luột sắn mà không ai phát
hiện có khói. Anh dắt hai anh tù xuống đồi xách hai thùng nước mang lên,
căn dặn anh em thay phiên nhau luột sắn ăn cho no.
Anh đích thân ở
lại đứng gác, nếu có ai vào, anh vờ ra lệnh "chuẩn bị đi về", anh em
tức khắc dấu hết "tang vật" xuống một cái hố đã đào sẵn.
Dường như đó là cái ngày duy nhất mà 50 người tù chúng tôi được no -dù
chỉ là no sắn-
Không biết tối
hôm ấy, trong giờ "giao ban", quản giáo Thà đã báo cáo với ban chỉ
huy trại là đội tù của chúng tôi đã phát được bao nhiêu hecta rừng?
Mỗi lần ra bãi thấy anh em lao động nặng nhọc, anh Thà bảo nhỏ :
- Anh em làm việc vừa phải, khi nào mệt thì ta nghỉ. Nhớ giữ gìn sức khỏe, vì
thời gian cải tạo còn dài lắm.
Vào một dịp Tết, cầm giấy nghỉ phép trong tay, nhưng anh không về nhà, mà
ở lại với anh em. Số tiền lương vừa lãnh được, anh mua mấy bánh thuốc lào, vài
ký kẹo lạc, biếu anh em ăn tết. Lần ấy, anh tâm sự thật nhiều với anh em:
- Lần bị thương năm 1972 ở Kontum, tôi nghĩ là tôi đã chết. Vết thương quá
nặng, lại phải nằm trong rừng rậm một mình, không có thức ăn, nước uống. Trong
lúc tuyệt vọng nhất, tôi bất ngờ được một đơn vị của Sư 23 các anh phát giác.
Các anh băng bó vết thương, cho tôi ăn uống, tận tình săn sóc tôi như một người
đồng ngũ. Các anh luân phiên khiêng tôi ra khỏi khu rừng rậm, gọi máy bay tản
thương đến đưa tôi về bệnh viện. Trời tối, máy bay chưa xuống được, đảo mấy
vòng, thì vị trí bị lộ. Các anh bị pháo kích, may mà không có ai bị thương. Các
anh lại phải vội vàng di chuyển đi nơi khác. Cả khu rừng chỉ có một khe
đá là nơi trú ẩn an toàn, các anh lại dành cho tôi, rồi phân tán mỏng..
Tôi được hai anh y tá săn sóc suốt cả đêm.
Người chỉ huy hôm ấy là một anh rất trẻ, mang quân hàm trung úy, mấy lần ôn tồn
hỏi thăm tôi và khuyên tôi cố gắng để được đưa về quân y viện chữa trị. Anh còn
cho tôi nửa bao thuốc lá còn lại của anh, bảo tôi hút thuốc để quên bớt cơn đau
của vết thương. Sáng sớm hôm sau, tôi được máy bay tản thương đưa tôi về quân
y viện Pleiku. Ở đây, mặc dù tôi phải nằm riêng, nhưng được bác sĩ các anh chăm
sóc tận tình. Tất cả đã đối xử với tôi như người đồng đội. Có lần, một phái
đoàn đến ủy lạo thương binh các anh, họ cũng đến thăm, cho tôi quà,
và an ủi tôi thật chân tình.
Vết thương vừa lành, thì tôi được lệnh trao trả tù binh. Khi chia tay,
bệnh viện còn cho tôi nhiều thuốc men và một số đồ dùng. Lòng tôi tràn ngập cảm
xúc. Tôi nghẹn ngào trước tình con người, tình dân tộc mà các anh đã dành cho
tôi. Tình cảm ấy tôi chôn chặt tận đáy lòng, không dám tâm sự cùng ai, vì lòng
tôi lúc nào cũng nghĩ đến vợ con tôi, và nhất là người mẹ già gần tuổi 80
đang ngày đêm mong chờ tôi trở về.
Anh cố gắng giữ bình tĩnh, nhưng rõ ràng là giọng nói của anh sắp nghẹn ngào.
- Khi về lại ngoài Bắc, người ta có còn tin cậy anh không? - một anh tù
hỏi.
- Ngay sau khi được trao trả, tôi phải vất hết thuốc men và những thứ các
anh cho. Tôi cố dấu mấy viên thuốc trụ sinh phòng nhiễm trùng, nhưng họ
khám xét kỹ quá, tôi phải tìm cách vất đi. Trước khi đưa về Bắc, chúng
tôi được học tập hơn một tháng, làm kiểm điểm và lên án sự đối xử tàn ác của
các anh. Tôi thấy xấu hổ lắm khi nói điều ngược lại, nhưng rồi ai cũng thế,
không thể làm khác hơn. Chính vì vậy mà lòng tôi cứ dằng vặt mãi cho đến hôm
nay.
Thời gian vàng son của năm mươi người tù đội 4 trại 6/ NghĩaLộ, Hoàng Liên Sơn,
kéo dài không quá sáu tháng.
Một buổi sang sớm, khi sương mù còn vương trên thung lũng trại tù, một người
đạp chiếc xe đạp vội vã rời ban chỉ huy trại. Sau xe đèo theo một cái rương
bằng gỗ và một túi đeo lưng bộ đội. Một vài anh em nhận ra anh Thà và báo cho
anh em. Cả một đội năm mươi người tù vừa mới thức
dậy, còn ngái ngủ, chạy ùa ra sân, vẫy tay gọi. Anh Thà không nhìn lại, đưa
cánh tay chỉ còn một nửa lên vẫy vẫy, rồi biến dạng trước cổng trại.
Chiếc thuyền nhỏ mang theo trên 30 người vượt biển, trong đó có tôi và ba người bạn cùng tù ở Nghĩa Lộ ngày trước, ra đến hải phận quốc tế hai ngày thì gặp bão. Chúng tôi may mắn được một chiếc tàu chuyên chở dầu hỏa của vương quốc Na-uy, trên đường từ Nhật sang Singapore, cứu vớt. Hai ngày đêm trên tàu là cả một thiên đường. Từ vị thuyền trưởng đến anh thủy thủ, chị bác sĩ, y tá, đều hết lòng săn sóc lo lắng cho chúng tôi. Hôm rời tàu để được chuyển đến trại tị nạn Singapore , chúng tôi quá xúc động không ai cầm được nước mắt. Tất cả thủy thủ đoàn đều ra đứng thành hai hàng dài trên boong tàu, ai nấy đều khóc sướt mướt ôm lấy từng người chúng tôi mà chia tay. Rồi những ngày sống trong trại, chúng tôi được thầy cô giáo và ông đại sứ Na-uy, thường xuyên có mặt lo lắng cho chúng tôi đủ điều. Chúng tôi vừa xúc động vừa đau đớn. Nỗi đau của một người vừa mới bị anh em một nhà hành hạ, đuổi xô đến bước đường cùng, phải bỏ nhà bỏ xứ để thoát thân trong cái chết, bây giờ lại được những kẻ xa lạ không cùng ngôn ngữ, màu da, màu tóc, lại hết lòng đùm bọc yêu thương. Mang cái ân tình đó, chúng tôi chọn Nauy là nơi tạm gởi phần đời còn lại của mình.
Bốn anh em, những người cùng tù Nghĩa Lộ năm nào, được sắp xếp ở gần nhau. Mỗi
ngày gặp nhau đều nhắc lại những năm tháng khốn khổ trong tù. Đặc biệt khi nhắc
tới quản giáo Thà, ai trong chúng tôi cũng ngậm ngùi, nghĩ đến một người không
cùng chiến tuyến mà còn có được tấm lòng. Sau lần bị "hạ tầng công
tác" ở trại tù Nghĩa Lộ, không biết anh đi về đâu, nhưng chắc chắn
là bây giờ cũng vất vả lắm.
Sau hai năm theo học, tôi được nhận vào làm trong ngân hàng bưu điện trung ương.
Tại đây, tôi quen với Kenneth Hansen, một bạn đồng nghiệp còn trẻ tuổi,lại ở
gần nhà, nên sau này trở nên thân tình. Anh ta là sinh viên đang theo học về
kinh tế, chỉ làm việc thêm ngoài giờ hoc. Làm chung gần một năm,
thì anh bạn Nauy này lại được nhận vào một công ty lớn và sang làm việc ở chi
nhánh bên Ấn Độ.
Bẵng đi vài năm, bất ngờ một hôm anh gọi điện thoại báo là sẽ đến thăm
tôi và đem đến cho tôi một bất ngờ. Và đúng là bất ngờ thật, vì cùng đến
với anh là một người con gái Việt nam. Anh giới thiệu với vợ chồng tôi, đó là
vị hôn thê của anh.
Cô gái tên Đoan, nói giọng Hà Nội chính tông. Gặp chúng tôi ở một nơi xa
lạ, cô vui mừng lắm, nhưng khi nhìn thấy tấm ảnh của tôi treo trên tường,
mang quân phục và cấp bậc của quân đội VNCH, cô có vẻ ái ngại. Biết vậy,
chúng tôi cũng niềm nỡ , đùa cợt cho cô được tự nhiên. Cô cho
biết cô là bạn thân với nữ ca sĩ Ái Vân từ lúc hai người còn đi học ở Hà Nội. Sau sáu năm du học ở Đông Đức, rồi Liên Xô, cô được sang thực tập tại Ấn Độ. Chính tạiđây cô có dịp gặp và quen với chàng trai Nauy này. Khi ấy cô đã có chồng và một đứa con trai. Người chồng trước cùng du học ở Liên Xô, sau này trở thành một cán bộ cao cấp trong ngành dầu khí tại Hà Nội. Sau thời gian thực tập ở Ấn Độ trở về, cô được bạn bè và người thân cho biết là anh chồng đã cặp một cô gái khác chỉ một vài tuần sau ngày cô đi.
Cô đem việc này nói phải
trái với chồng, lại bị anh ta hành hung và nói những lời thô lỗ. Cô vừa buồn
vừa giận, bỏ chồng, xin sang học tiếp chương trình Tiến sĩ tại một đại học ở
Đông Đức.
Sau ngày bức tường Bá Linh ô
nhục bị nhân dân Đức phá sập, nước CHND Đức (Đông Đức) bỗng chốc không còn nữa.
Cô không về nước mà tìm cách trốn sang Tây Đức. Qua một thời gian hết sức khó
khăn, cô may mắn liên lạc được với anh Kenneth Hansen, để được bảo lãnh sang
Nauy. Biết cô thuộc gia đình một đảng viên cộng sản cao cấp, bởi cô được du học
ở nhiều nước thuộc khối cộng sản trước đây, nhưng tôi không hỏi vì sợ cô ngại.
Sau này chính Kenneth Hansen, cho biết, bố của cô trước kia là đại sứ Việt Nam tại Liên Xô
cũ. Sau ngày Liên Xô sụp đổ, kéo theo sự tan vỡ của toàn khối cộng sản
Đông Âu, ông xót xa nhìn ra được một điều gì đó. Trở về Việt Nam, ông không
còn được nhà nước Cộng sản trọng dụng, trở thành kẻ bất mãn, cả ngày nằm nhà
không tiếp xúc một ai.
Sau một thời gian, được cấp quốc tịch Nauy, cô Đoan trở về Việt Nam thăm gia
đình, đặc biệt là người cha già đang ốm nặng. Nhân tiện xin mang đứa con trai
sang Nauy với cô.
Việc cô Đoan trở về Hà Nội,
làm tôi nghĩ dến anh quản giáo Nguyễn văn Thà thưở trước. Tôi cùng với mấy
người bạn tù cũ, góp một số tiền khoảng 800 đôla, nhờ cô Đoan về Nghệ Tĩnh tìm
và trao lại cho anh, như để tỏ chút lòng biết ơn một người bao nhiêu năm sống
trong đám bùn lầy nước đọng mà vẫn còn giữ sạch được tấm lòng. Việc tìm anh
không phải dễ dàng, vì chúng tôi không biết nhiều về anh. Trong mảnh giấy
nhắn tin, chỉ vỏn vẹn vài chữ: "ông Nguyễn văn Thà, gốc Nghệ Tĩnh, khoảng
năm 1979 là thượng úy, làm quản giáo trại tù cải tạo số 6/ Nghĩa Lộ, Hoàng Liên
Sơn". Cô Đoan vui vẻ nhận lời và hứa sẽ tìm đủ mọi cách để gặp hoặc
liên lạc anh Thà. Cô cũng cho biết là cô có ông chú họ hiện làm việc tại bộ
quốc phòng. Cô sẽ nhờ ông ta tìm hộ.
Một tháng sau, cô Đoan trở lại Nauy, báo cho chúng tôi biết là ông chú của cô
không tìm thấy tên Nguyễn văn Thà trong danh sách sĩ quan. Ông đoán là anh ta
đã bị phục viên từ lâu lắm rồi. Cô đã đích thân vào Nghệ Tĩnh, hỏi thăm mọi cơ
quan, nhưng không ai biết. Cuối cùng cô phải thuê mấy tờ báo địa phương đăng
lời nhắn tin, trong đó có ghi số điện thoại của tôi. Cô còn cho biết là nhân
tiện có mặt ở Nghệ Tĩnh thì cô nhờ họ thôi, chứ không có nhiều hy vọng gì, vì
chỉ một ít người ở thành phố có báo đọc.
Thời gian trôi qua, bận bịu
bao nhiêu việc làm ăn, lo cho con cái, để kịp hội nhập vào đời sống trên quê
hương mới, chúng tôi không còn ai nhắc đến chuyện anh Thà.
Bỗng một hôm, khi đang say
ngủ, nghe tiếng điện thoại reo, tôi giật mình tỉnh giấc. Xem đồng hồ, hơn hai
giờ sáng. Mùa đông Bắc Âu, nhiệt độ bên ngoài cửa sổ chỉ - 20 độ C. Tôi ái
ngại. Giờ này mà ai gọi điện thoại thì phải có điều gì khẩn cấp ắm.. Tôi bốc
ống nghe, Đầu giây bên kia là giọng một cô gái, nói tiếng Việt rất khó
nghe. Cô hối hả, nhưng rất lễ phép, xin được gặp tôi. Cô cẩn thận nhắc lại tên
tôi hai lần, với đầy đủ họ và tên.
- Xin lỗi, cô là ai và đang ở đâu ạ ? tôi hỏi.
- Dạ, cháu là Hà, Nguyễn Thị Hà, cháu đang ở Ba Lan ạ..
Tôi im lặng. Thoáng lục lọi trong trí nhưng tôi không nhớ là mình đã quen ai
tên Hà. Bên kia đầu giây, cô gái lên tiếng:
- Bác có còn nhớ ông Thà, làm quản giáo ở Nghĩa Lộ không ạ?
- Ông Thà, Nguyễn văn Thà,Bác nhớ, nhưng cô là gì của ông Thà, và sao lại ở
Ba-Lan ?
- Dạ, ông Thà là bố cháu. Cháu ở Ba-Lan với một đứa em trai. Bọn cháu khổ lắm
Bác ạ. Tiếng cô gái sụt sùi.
- Cháu cho bác số phôn, bác gọi lại ngay, để cháu khỏi tốn tiền.
Tôi gọi lại, và nghe tâm sự não nề của cô gái. Cô và em trai, tên Tĩnh, được bố mẹ lo lắng, chạy vạy, bán hết đồ đạc trong nhà, kể cả chiếc xe đạp Trung quốc mà cha cô nâng niu như là một thứ gia bảo, vay mượn thêm, lo cho hai chị em cô sang lao động ở Ba-Lan. Sau khi chính quyền cộng sản Ba-Lan bị cuốn theo làn sóng dân chủ ở Đông Âu, chị em cô cùng hầu hết những người được chính quyền Việt Nam gởi sang lao động, đã không về nước, trốn ở lại. Vì sống bất hợp pháp, nên không tìm được việc làm chính thức. Hầu hết làm chui, buôn bán thuốc lá lậu. Một số trở thành ăn cắp, băng đảng, quay lại cướp bóc hoặc tống tiền chính những nguòi đồng hương, đồng cảnh. Số người Việt này trở thành mối bận tâm không nhỏ cho những chính quyền mới ở các nước Đông Âu.
Hai chị em cô Hà thuê một căn gác nhỏ trong thành phố Warszawa, nhận thuốc lá của một người khác, mang đi bán. Nhưng mỗi lần dành dụm được một ít, chưa kịp gởi về giúp gia đình thì bị cướp sạch. Một hôm, cậu em trai nhận thuốc lá mang đi bán, bị cảnh sát bắt và phát hiện là số thuốc lá kia vừa bị mất cắp tại một cửa hàng Ba-Lan. Vì vậy cậu em trai bị nhốt vào tù, còn cô Hà thì đang bị truy nã. Việc xảy ra một ngày trước khi cô Hà gọi điện thoại cho tôi.
- Bây giờ cháu đang ở đâu ? Tôi hỏi.
- Cháu đang trốn ở nhà một nguòi bạn, nhưng cô ta không dám chứa cháu lâu. Cháu
không biết phải làm sao, thì bất ngờ nhớ đến lá thư của ba cháu gởi cho cháu
cách nay vài tháng. Ba cháu bảo cháu trong trường hợp rất cần thiết mới gọi cho
bác.
- Ba cháu bây giờ làm gì?
- Ông bị ốm nặng. Cách nay hai năm bị tai biến mạch máu não, liệt nửa
người, nên chỉ nằm một chỗ. Vì vậy nên chị em cháu trốn ở lại đây để kiếm tiền
gởi về cho bố cháu điều trị và sống qua ngày bác ạ.
Tôi ghi số điện thoại, địa chỉ người bạn của Hà, tên nhà tù mà Tĩnh, em trai
của Hà đang bị giam giữ, trấn an và hẹn sẽ gặp cô trong một ngày rất gần ở
Ba-Lan.
Tôi nhớ tới một người bạn Ba-lan, anh Zbigniew Piwko. Chúng tôi quen khá thân
lúc cả hai vừa mới đến Nauy. Anh ta lớn hơn tôi ba tuổi. Trước kia là một đại
tá không quân, chỉ huy môt không đoàn chiến đấu thuộc quân đội cộng
sản Ba-Lan. Về sau. anh ta ngầm ủng hộ Công Đoàn Đoàn Kết do ông
Walesalãnh đạo. Hành tung bại lộ, trong khi bị truy bắt, anh đã lấy một
chiếc trực thăng, chở gia đình, gồm người vợ và hai đứa con, bay sang Tây
Đức. Theo sự thỉnh cầu của anh, gia đình anh được chính phủ Na-uy đặc biệt nhận
cho tị nạn chính trị.
Anh và tôi học tiếng Na-uy cùng một lớp, và sau đó có một thời gian chúng tôi cùng làm thông dịch cho Sở Cảnh Sát. Nhưng chỉ hơn một năm sau, thì tình hình chính trị ở Ba-Lan thay đổi bất ngờ. Công Đoàn Đoàn Kết của ông Walesa lãnh đạo đã thắng lợi vẻ vang . Ông được bầu làm Tổng Thống đầu tiên của nước Ba-Lan dân chủ. Anh Piwko, người bạn tị nạn của tôi, được mời về nước để giữ môt chức vụ khá lớn trong ngành cảnh sát. Vào những dịp Giáng sinh, nhớ đến tôi, anh gởi thiệp mừng giáng sinh và năm mới. Anh kể đủ thứ chuyện về xứ sở của anh, về niềm vui và hy vọng của người dân Ba-Lan bây giờ. Sau tấm thiệp không đủ chỗ nên lúc nào anh cũng viết kèm theo vài trang giấy. Anh mời vợ chồng tôi có dịp thu xếp sang chơi với gia đình anh vài hôm và xem đất nước Ba-Lan của anh đang hồi sinh trong dân chủ.
Sáng hôm sau, tôi tìm lại số phôn và gọi cho anh. Anh rất vui mừng khi nghe tôi báo tin sang thăm . Vì đi vội, nên tôi chỉ đi một mình. Vợ chồng anh đón tôi ở phi trường, nơi dành cho VIP (thượng khách). Anh chị còn cho biết là rất thú vị khi có dịp được dùng lại ngôn ngữ Nauy để nói chuyện với tôi. Tôi thực sự xúc động trước sự tiếp đón nồng hậu mà gia đình anh đã dành cho tôi. Tôi ngại ngùng không dám nói với anh những điều muốn nhờ anh giúp. Nhưng rồi cuối cùng, tôi cũng phải tâm tình cùng anh về chuyện anh quản giáo Thà trong trại tù Nghĩa Lộ năm nào, và hoàn cảnh khốn cùng của hai đứa con hiện đang ở tại đây, ngay trên đất nước Ba-Lan của anh. Nghe tôi kể, anh ngậm ngùi giây lát rồi đứng lên ôm vai tôi, hứa sẽ hết lòng giúp tôi về việc này.
Anh đưa tôi đến
gặp hai chị em cháu Hà. Đưa Hà về nhà ở với gia đình anh. Hai hôm sau anh làm
thủ tục bảo lãnh Tĩnh, emcủa Hà từ trại tù về.
Trước khi về lại Nauy, tôi đã thức trọn một đêm để tâm tình khuyên lơn
hai chị em Hà, biếu cho hai cháu một số tiền để tạm sinh sống và chuyển về Việt
nam biếu anh Thà, bố hai cháu. Trên đường đưa tôi ra phi trường, vợ chồng
Piwko bảo tôi yên tâm, anh chị xem hai chị em Hà như là cháu trong nhà và
sẽ tận tình lo lắng cho hai cháu.
Hơn một tháng sau, Piwko gọi phôn báo cho tôi tin mừng: hai chị em Hà đã được Piwko bảo trợ, được cấp giấy tờ chính thức cư trú tại Ba-lan. Hai cháu đang được học ngôn ngữ Ba-lan. Hà, vì lớn tuổi, nên sẽ xin việc làm. Tĩnh, em Hà, sẽ được tiếp tục theo học tại một trường trung học.
**** *
"Các Anh thân quí,
Khi ngồi viết những dòng nàycho các anh, thực tình tôi không còn nhớ mặt các anh, nhưng tôi còn nhớ rất rõ thời gian tôi làm quản giáo ở trại Nghĩa Lộ. Vậy mà không ngờ hôm nay các anh còn nhớ đến tôi. Đọc thư của cháu Hà từ Ba-Lan gởi về, cùng với số tiền của các anh gởi cho, lòng tôi cảm xúc đến nghẹn ngào. Tôi và gia đình xin muôn vàng cảm tạ. Các anh làm tôi nhớ tới một câu nói của Các-Mác: "Chỉ có loài súc vật mới quay lưng trước cảnh khốn khổ của đồng loại". Ngày nay, cả thế giới đều lên án Mác, những nước một thời lấy chủ nghĩa Mác làm ánh đuốc soi đường, bây giờ cũng đã từ bỏ Mác, chỉ còn một vài nơi lấy Mác làm bức bình phong để che đậy những mục nát ở phía bên trong, nhưng câu nói trên kia của Mác, với tôi, vẫn mãi mãi là một lời vàng ngọc. Điều tệ hại là những kẻ một thời theo Mác đã luôn luôn làm ngược lại lời nói này của Mác.
Chúng tôi mừng cho các anh đã đưa được gia đình ra khỏi nước. Mặc dù tôibiết một
người phải bỏ quê hương mà đi, còn đau đớn nào hơn. Ngay cả con cái chúng tôi,
vất vả biết chừng nào, mà tôi cũng đành khuyên các cháu phải ra đi để may ra
còn tìm được một chút tương lai, giá trị nào đó của kiếp con người.
Phần tôi, sau
khi bị kiểm điểm nặng nề ở trại Nghĩa Lộ, tôi bị điều ra mặt trận phương Bắc,
trong thời kỳ giặc bành trướng Trung Quốc tràn qua biên giới .Nhờ thương tật,
tôi được bố trí một công tác lặt vặt ở hậu cần. Mặt trận kết thúc, tôi bị phục
viên về nhà, tiền phụ cấp không
đủ nuôi chính bản thân. Tôi chỉ còn một cánh tay mà phải phát rẫy trồng rau để
phụ giúp gia đình.
Hơn ba năm nay, tôi bị ốm nặng, nằm liệt giường. Nhờ chị em cháu Hà gởi tiền về nuôi tôi và cả gia đình, tôi mới còn sống được đến hôm nay. Biết trốn lại BaLan, không có giấy tờ, hai cháu sẽ khó khăn ghê lắm, nhưng vẫn còn hơn là về lại bên này. Có làm suốt ngày cũng chẳng đủ ăn. May mà nhờ các anh hết lòng giúp hai cháu. Cái ơn này biết khi nào chúng tôi mới trả được cho các anh đây.
Tôi biết mình không còn sống bao lâu. Cuối đời một con người, tôi nghiệm rõ được một điều: Chỉ có cái tình con người với nhau mới thực sự quí giá và tồn tại mãi với thời gian. Những chế độ này, chủ nghĩa nọ, cuối cùng cũng chỉ là những đám mây đen bay trên đầu. Đôi khi che ta được chút nắng, nhưng nhiều lúc đã trút bao cơn mưa lũ xuống để làm khốn khổ cả nhân gian..."
* * *
Không ngờ lá thư
đầu tiên này cũng là lá thư cuối cùng chúng tôi nhận được từ anh Thà. Anh đã
qua đời sau đó không lâu. Nghe cháu Hà kể lại. Khi hấp hối, anh bảo vợ anh mang
mấy cái huy chương, anh được cấptrong thời chiến tranh, đào lỗ chôn xuống phía
sau nhà. Anh thầm thì: xin hãy chôn chặt hộ tôi cái quá khứ đau thương và lầm
lỡ đó lại. Chính nó đã gây biết bao chia lìa, tang tóc, và sự thù hận giữa
những người anh em cùng một mẹ, không biết sẽ kéo dài cho đến bao giờ?
Phạm Tín
An Ninh Vương Quốc Na-Uy