Chuyện Bụi Đời

03/12/201112:00 SA(Xem: 13154)

Chuyện được kể lại, có nhiều tình tiết hư cấu, tên nhân vật có thể khác. Chuyện có nhiều tình tiết bạo lực, cần cân nhắc trước khi xem.

bui_doi

Chuyện bắt đầu từ Nha Trang, một thành phố nhỏ xinh đẹp nằm trên một trong 20 cái vịnh biển đẹp nhất thế giới.

Nhân vật đầu tiên là Lượm. Không ai biết nó bao nhiêu tuổi, tên giấy tờ của nó là Nhân Ái. Nó được bỏ ở một ngôi chùa lúc chừng hơn 1 tuổi và được nhà chùa nuôi ăn học đến lớn như một chú tiểu.

Nhưng chú tiểu Lượm là đệ tử của Lỗ Trí Thâm nên khoái rượu thịt hơn đậu hũ và khoái đánh lộn hơn đọc kinh. Năm mười lăm tuổi, nó bưng nguyên cái thùng công đức của nhà chùa nửa đêm bỏ trốn, bắt đầu cuộc sống bụi đời.

Cái thùng công đức toàn tiền lẻ vậy mà mua được hơn 3 cây vàng, nó quay lại chùa bỏ 3 cây vàng vô miệng con Lân bằng xi măng, chỗ nó thường hay dấu thịt heo quay, rồi tham gia một băng bụi đời, đóng ở gần ga.

3 năm sau, cái tên Lượm Lì khét tiếng trong giang hồ. Nó to lớn, người đầy thẹo và hình xăm, nó là thằng nhiều chữ nhất trong đám bụi đời.

Hai nhân vật tiếp theo là anh em thằng Rớt. Thằng Rớt ngoài hai mươi tuổi, con Bé em nó thì chừng mười bảy. Cha nó chết lúc tụi nó còn nhỏ, sau đó mẹ nó bị khùng, đi lang thang mất biệt. Hai anh em nó sống với nhau trong cái nhà nhỏ, sâu trong hẻm Núi Một, lần lữa lớn lên trong tình làng nghĩa xóm, không có ai là ruột thịt. Thằng Rớt cũng khét tiếng khắp khu Núi Một, cũng có dưới tay gần chục thằng sĩ tốt máu mặt.

Thằng Rớt không biết chữ nhưng nó bắt con Bé đi học đàng hoàng. Con Bé hiền lành, khôn ngoan, lại nhất mực thương anh nên thằng Rớt cưng khỏi nói.

Một nhân vật nữa là bà Má. Ông bà đều gốc gác ngoài bắc, đều là cán bộ nhà nước, chỉ có hai vợ chồng ở với nhau mà không có con cái gì (hình như do bà không thể sinh nở được). Một hôm ông đi tắm biển về bị tai biến, chết ngắc ở tuổi ngoài năm mươi. Từ đó còn chỉ mình bà thui thủi trong căn nhà vắng lặng. Bà xin về hưu non, lấy mặt tiền căn nhà làm chỗ bán tạp hóa, sống qua ngày.

Nhân vật cuối cùng là một thằng làm thơ nhưng hứng chí giang hồ, theo chơi bời với đám thằng Lượm, thằng Rớt và là người kể lại câu chuyện này.

Câu chuyện bắt đầu.

Một hôm thằng Lượm đụng độ với một đàn em của thằng Rớt, thằng Lượm tát thằng nọ một tát và nhắn: “kêu thằng Rớt có ngon thì kiếm tao”

Thằng Rớt nóng mặt, cùng thằng em nọ lận mã tấu, sáng sớm canh đường thằng Lượm ra quán cà phê để chém. Thằng Lượm mất cảnh giác, sáng sớm bị đuổi chém, trúng nhát đầu vô bả vai, nên quăng xe vừa chạy vừa đánh trả. Vết chém khá nặng, lại cùng đường, nên thằng Lượm lao đại vô quán tạp hóa vừa mở cửa của bà Má.

Bà Má già thấy cảnh hai thằng đuổi chém một thằng đã bị thương thì bất bình lắm. Đẩy thằng Lượm vô buồng, bà quay ra cầm cái móc đồ (để lấy đồ trên cao) chĩa thằng vào đám thằng Rớt, miệng không ngớt la làng: Bớ làng xóm ơi, quân giết người, bớ làng xóm ơi. Cái giọng bắc kỳ của bà cộng với cây móc đồ khua loạn xạ đã bảo vệ được thằng Lượm. Đám thằng Rớt xụi lơ, quay đầu về.

Bà Má kêu xích lô chở thằng Lượm đi bịnh viện. Bà đóng tiền phẫu thuật, mua cháo đút cho thằng Lượm, như một người mẹ. Thằng Lượm lờ mờ nhận ra cái bóng của tình thương, thứ mà trong đời nó thậm chí cũng chưa từng mơ tới.

Chuyện xảy ra ban sáng thì đến chiều đám anh em của thằng Lượm hay tin. Mười mấy thằng vác mã tấu, kiếm tràn vô hẻm Núi Một loạn đả. Cư dân hẻm Núi Một cũng không vừa nên chỉ sau mấy phút đầu bị động, đã ngay lập tức đánh trả. Thằng Rớt đang nhậu cũng chạy ra nghênh chiến vì không nghĩ trận tập kích là dành cho mình. Thằng Rớt trúng một dao chí mạng, lúc đưa vô viện thì cái lưỡi lê còn ghim trên ngực, cứng ngắc.

Xui rủi thế nào. Thằng Rớt và Thằng Lượm lại nằm cạnh nhau trong bệnh viện. Con Bé đi học về mặc nguyên áo dài vô bệnh viện khóc ngất lên ngất xuống. Bà Má phải ra dỗ luôn con Bé. Bà Má nhận ra mặt thằng Rớt, hình dung ra ngay toàn bộ câu chuyện giang hồ.

Bà Má khuyên can thằng Lượm, rồi đến thằng Rớt. Bà cứ ngồi cạnh bên, thủ thỉ chuyện gia đình, chuyện ân oán, chuyện đời. Bà không cho ai vô thăm hai thằng, đứa nào ló đầu vô bà dọa kêu công an. Rồi bà bắt hai thằng làm huề nhau trong bịnh viện. Bữa đó có thằng bạn làm thơ vô thăm thằng Lượm, chứng kiến hai thằng bắt tay nhau và hứa làm huề trước mặt bà Má. Chẳng hiểu bà này ở đâu ra mà quyền hành quá trời, cũng không dám hó hé.

Thằng Lượm ra viện trước. Bà Má bắt nó đem thẳng về nhà, không cho quay lại chỗ lũ anh em. Cũng chẳng qui ước gì, tự nhiên má má, con con làm thằng Lượm không dám cãi, theo má về. Nó cũng chịu nghe lời má, nhưng nó nói: Má à, giang hồ vô dễ mà ra khó, ân oán đầy rồi, muốn sống bình thường không được đâu. Má nói: ở đây không được thì vô Sài Gòn.

Vậy là thằng Lượm vô Sài Gòn. Nó quay lại chùa, thọc tay vô miệng con Lân bằng xi măng lấy 3 cây vàng rồi đêm đó bắt xe vô Sài Gòn. Hai má con nó khóc ngoài bến xe như bao gia đình ly tán khác. Dù cả hai mới gặp nhau có một tuần lễ trong đời.

Anh em thằng Rớt bỏ hẻm Núi Một về ở chung với bà Má vì con Bé đang học lớp 11, tất nhiên cũng xưng má má, con con luôn. Hàng xóm hỏi thì bà nói con nuôi. Thằng con nuôi nhìn như một con thú hoang.

Thằng Lượm vô Sài Gòn đi làm công nhân in lụa. Nó làm việc siêng năng, học hành chăm chỉ. Mới đầu làm thợ phụ, rồi một năm sau làm thợ chính. Rồi nó thuê một căn nhà nhỏ gần đó, mở cơ sở in lụa, làm ăn khá dần.

Thằng bạn làm thơ thì đang ở Sài Gòn, thỉnh thoảng cũng ghé uống với nó chén rượu. Nó thổ lộ một chuyện động trời: Nó thương con Bé. Thằng bạn làm thơ khuyên nó nên viết thư, nó cũng viết, nhưng thư nó viết cộc cằn như chính con người nó, kiểu như: Bé, khỏe không? Học giỏi không? Thằng Rớt sao? Nhớ lo cho má. Hết

Con Bé viết thư lại, cũng tình cảm, còn chép thơ tặng nó. Thằng Lượm mừng quá, kêu thằng bạn làm thơ làm giùm một bài để nó tặng con Bé. Khó muốn chết, làm thơ cho cái thứ giang hồ đọc còn khó hơn viết ca dao, thằng bạn cũng rặn được mấy câu:

Thầm thương trộm nhớ bấy lâu
Quê người đơn độc dạ sầu tương tư
Tình này muốn tỏ cùng thư
Thư chờ thư đến, lòng như bằng lòng


Ba hôm sau, thằng Lượm nhận thư chỉ có 2 chữ: BẰNG LÒNG.

Cái nhà thằng Lượm thuê của một ông nọ, có bốn đứa con, hai trai hai gái. Ông chủ rao bán căn nhà vì muốn chia tiền cho con, đứa nào cũng giành giật, đến mức còn dọa chém nhau. Nghe đâu rao bán 100 cây.

Thằng Lượm hớt hả chạy đi tìm chỗ mới. Ở nhà bà Má với anh em thằng Rớt cũng lo quắn đít, nhưng cũng quyết định giúp thằng Lượm. Một tháng sau, bà Má, thằng Rớt và con Bé xuất hiện ở Sài Gòn lúc sáng sớm, trong ba lô là 100 cây vàng. Bà Má đã bán nhà.

Mua lại căn nhà mặt tiền lụp xụp rồi, bà Má làm một mâm cơm nhỏ coi như tiệc cưới, đứng ra gả cưới cho thằng Lượm và con Bé luôn.

Hai vợ chồng thằng Lượm hạp tuổi, làm ăn lên như diều. Nó thế chấp nhà, mua đất ở Bình Chánh, mua máy in offset, thuê mướn công nhân làm một xưởng in lớn, giao cho thằng Rớt coi. Công nhân của nó toàn giang hồ đem ở Nha Trang vào, nhìn thằng nào thằng nấy thấy gớm.

Rồi nó cất căn nhà lên 3 tầng. Vợ chồng nó đẻ cho bà Má liên tiếp 3 đứa cháu, đứa nào cũng đẹp như thiên thần. Bà Má cười suốt ngày nên trông bà trẻ ra đến chục tuổi. Hàng xóm gặp bà ai cũng tỏ ra ganh tị, thiệt tình, chưa thấy ai mà đẻ con “đã” như bả, mấy thằng con coi bặm trợn vậy chứ nó hiếu thảo nhất đời. Bà Má cười thôi.

Rồi thằng Rớt cũng lấy vợ. Gần bốn mươi tuổi mới lấy vợ. Hỏi ra mới biết, con vợ nó cũng mồ côi, cũng theo người ta qua Đài Loan làm dâu, làm vợ một ông già hết xí quách, chừng 3 năm thì ông già chết ngủm nên nó bỏ về Việt Nam. Đi theo người ta bán cà phê. Nó tên là con Đẹp.

Đám cưới thằng Rớt với con Đẹp khá hơn đám thằng Lượm. Đãi ở khách sạn năm sao, uống rượu tây, đãi đúng năm bàn. Đám cưới mà có màn hình Karaoke, ăn nhậu rồi hát đến nửa đêm. Đó là cái đám cưới vui nhất thế giới.

Bữa đám cưới không có đàng trai, không có đàng gái, thằng bạn làm thơ thì không chịu phát biểu nên thằng Lượm phải lên làm chủ hôn.

Nó cầm micro nói được một câu: Má. Hôm nay là ngày vui của thằng Rớt (Anh vợ nó mà mười mấy năm nay nó vẫn kêu bằng “thằng”), con mừng quá, má…

Tới đây tự nhiên nó khóc hụ hụ, rồi nó vừa khóc vừa kể lại toàn bô câu chuyện trong đám cưới, nước mắt nước mũi chảy tè lè, nhìn bắt ớn.

Rồi bà Má khóc, rồi cô dâu chú rể khóc, rồi khách khứa khóc, đến cả mấy đứa phục vụ nhà hàng cũng quay mặt lau nước mắt.

Đó là cái đám cưới kỳ quặc, khi mà tất cả đều khóc.

Đêm đó thằng bạn làm thơ uống say té lên té xuống.

Đúng là thứ bụi đời, không giống ai.

Đàm Hà Phú

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn