Tản mạn cuối năm

7/4/201112:00 AM(View: 16231)

tan_man_cuoi_namCuối năm, đối với những người không còn trẻ nữa, hai chữ thật buồn. Một cái mốc, dù là ước lệ, để người ta điểm lại những việc đã qua, những điều đã mất, những khoảng trống không thể lấp đầy, những hư hao vô phương cải sửa. Một cái mốc, để theo thói quen, người ta hướng đến những tin yêu, hy vọng mới, thiết lập chương trình, hoạch định tương lai trong khi quỹ thời gian cá nhân hao hụt đã nhiều rồi.

Cuối năm, cho dù ở đâu, cũng vào mùa lễ hội. Quê hương những ngày này thời vụ đã tròn, mùa màng đã xong. Quê người, thời tiết đông giá kéo trì sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế lao đao của một thế giới đang khủng hoảng nhiều mặt. Vào làm việc chỉ chiếu lệ, cầm chừng, tâm trí cứ lơ mơ đâu đó bên ngoài hãng, sở. Mùa này là dịp thiên hạ thư giãn nghỉ ngơi, xum họp gia đình, gặp gỡ bè bạn. Thế nên, đối với người già xa xứ lưu vong, cuối năm lại càng đậm màu ảm đạm, buồn rầu.

Cuối năm, ngày Bắc Mỹ ngắn lại. Buổi sáng, giờ ra xe, người già co ro với hộp cơm trưa trong bóng đen và những vì sao chưa kịp tắt. Gió rét thổi lồng lộng. Đường ngập ngụa tuyết, bùn. Buổi chiều, tan ca, trở về, người già cúm rúm phủi tuyết trên vai, mở cửa, bật đèn, bỏ những ngôi sao sớm lại sau lưng, đốt lò sưởi, mở truyền hình, thấp thỏm với bản tin xấu về thời sự và thời tiết. Rồi cứ thế, cứ mong cho mau hết một tuần. Và như thế, thật chẳng có gì buồn cười nếu lý luận rằng, nghĩa là mong cho mau hết một tháng. Một năm. Nghĩa là mong cho mau hết một đời. Bỗng giật mình nhớ lại rằng: "Cuộc đời là một con đường mà không ai muốn tới đích sớm."

Bây giờ người ta đã chăng đèn, bày cảnh, trang hoàng cho ngày lễ Tạ Ơn. Đèn hoa sẽ rực rỡ cho đến hết Giáng Sinh, qua Năm Mới. Trong cái rét căm căm của một ngày cuối tuần ngắn ngủi, người già lóng cóng kéo cao cổ áo bước vào quán cà phê quen thuộc. Từ một góc quán, sau lớp kính đục, đối diện khu thương xá, bên kia con đường lát sỏi viền ngợp những cụm hoa pansies, cuối tít những hàng phong du trơ cành xơ xác, người cựu binh thấy lờ mờ hai ngọn tháp có những ngôi sao nhiều cánh của ngôi nhà thờ cổ quen thuộc. Ngôi nhà thờ, ở một mặt nào đó, cũng như những khung cảnh, hình ảnh khác, quen thuộc, quen thuộc đến đỗi tưởng khó lòng, tưởng không thể khơi gợi một xúc cảm gì. Bỗng nhiên…

Rất nhiều lần chúng tôi phải dừng chiến đỉnh, nghỉ qua đêm trên những khúc sông lạ lẫm. Phố quận nhỏ nhắn, xinh xẻo, nằm lắt lẻo ven bờ, giữa những cánh đồng ngập mặn quanh năm, được một dịp thức vui cùng lính thủy. Nhịp sống lặng lẽ, bình dị của thôn làng ven sông được khuấy động bởi những chàng trai tứ xứ. Aùnh đèn néon soi lạnh những con đường đất mấp mô dẫn về xóm xa xao xác tiếng gà. Dãy dừa nước lập loè ánh đóm. Đôi ba gánh hàng, năm bảy chiếc bàn con, bình rượu đế với chiếc đàn thùng đã đủ để giết thời gian chờ con nước lớn.

Nhưng không phải lúc nào cũng thế. Một lần chúng tôi dừng muộn ở một thôn xã nhỏ. Trời đã rất khuya, gây gây cái lạnh miệt tràm, vo ve đàn muỗi đói U Minh. Ba chiến đỉnh cùng cắm mũi vào bờ đất một đồn nghĩa quân. Khi dây mũi đã cột xong, máy tàu đã tắt, giữa cái vắng lặng mênh mông của bốn bề rừng nước mặn, bỗng tiếng gió đánh rơi một câu vọng cổ não nùng. "Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào." Giọng xuống hò ngọt lịm như dư vị ly rượu đế Gò Quau làm tôi sững sờ ngây ngất. Rồi cùng với tiếng sóng nhẹ vỗ lách chách vào mạn tàu, câu vọng cổ cứ thế, tuôn chảy, dâng trào như con nước sông ngòi, kênh lạch miền Nam. "Cổng vườn cô đã khóa kín tự hôm nào." Tâm tình chất phác của một anh dân quê Nam bộ thấm đậm trong từng câu ca mộc mạc. "Nhà của cô sau trước vắng tanh, văng vẳng đâu đây có ai dạo lên mấy tiếng lục huyền cầm như gợi lại lòng tôi một nỗi buồn thê thảm." Tiếng nhịp cống chợt bức lên như một cánh cò bay vút vào nơi chốn mênh mông. Tôi vốn mê cải lương không ít. Thuở nhỏ đi xem cải lương cũng nhiều. Bài ca này tôi đã biết qua nhưng giữa cảnh phố chợ nhộn nhịp, quán xá ồn ào, nghe sao mà lạc lõng. Ở đây chỉ có bóng đêm và con gió miệt tràm. Người lính nghĩa quân đang chăng võng ngang lô cốt kia đã đón tiếp chúng tôi bằng bài ca bi thiết. Sau khi để lại một người thủy thủ trên vọng canh pháo tháp, chúng tôi chui xuống lòng tàu, nằm lơ mơ chờ sáng với tiếng hát trầm trầm giọng thổ của người lính nghĩa quân trong phiên gác nửa đêm đầu sông ấy. "Chiếu này tôi chẳng bán đâu. Tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm."

Buổi sáng, khi ánh mặt trời vừa lọt qua khe những tấm giáp chắn B-40, tôi lật bật thức dậy. Bước lên sàn phi cơ trực thăng, chưa kịp tợm ngụp cà phê đầu ngày, tôi chợt sững mắt trước một khung cảnh dị thường. Vươn thẳng giữa bốn bề nước mặn, vượt trên những phố lá nghèo nàn, là một ngôi nhà thờ gỗ xinh xắn. Trên con đường lát đá lô nhô qua chợ xã, hàng hàng người lũ lượt kéo đến nhà thờ. Các ông cụ bà cụ trang nghiêm trong những bộ lễ phục. Các cô gái thướt tha với những tà áo dài hoặc bà ba trắng. Và cả những em nhỏ nữa. Tôi chợt nhớ hôm này là ngày Chủ nhật trước Giáng Sinh.

Một sinh hoạt rất bình thưòng trong một khung cảnh khác thường có thể làm người ta ngạc nhiên đến độ sững sờ. Có điều gì tương phản, gần như đối nghịch ở đây. Những cánh rừng ngập mặn và một thôn xóm bình dị, hiền hòa. Sự nghèo nàn và những tâm hồn mộc mạc, giàu có tình yêu. Sự đe dọa thường trực của chiến tranh và nhịp sống an nhiên tự tại. Tôi quan sát những người lính nghĩa quân hôm ấy mà không thể nào hình dung ra được con người ca bài vọng cổ đêm qua.

Tôi từ giã khúc sông buồn ngay trong buổi sáng mù sương ấy mà không hề có dịp trở lại lần thứ hai, lòng cứ xốn xang mỗi khi nhớ lại xóm đạo, ngôi nhà thờ, chiếc đồn canh và những con người chân chất. Vì không lâu sau đó, xóm đạo tan hoang trong một trận công đồn của giặc. Nghe như những tình tiết trong vài bài thơ, bài ca thời thượng lúc bấy giờ. Rồi quên. Quên bẵng.

Nhưng ký ức không hề chết. Một điều nhỏ nhoi ngủ yên đâu đó trong tiềm thức sẽ được đánh thức bởi một điều nhỏ nhoi khác. Một khung cảnh bình thường, một hình ảnh thật tầm thường, của khoảng trời xa bất chợt hiện về không dự báo. Đột ngột đến ngẩn ngơ. Những đoạn rời ký ức ấy nằm lẻ loi, hiu quạnh dường như chẳng có liên hệ mắc xích nào với những sự kiện khác trong đời. Thế nên chúng sẽ chỉ mãi là những điều tản mạn.

Cuối năm, góc quán lạnh, tháp chuông cổ, mặt sông lặng lẽ, xóm đạo hiền hoà, chiếc đồn canh xám đất, người lính nghĩa quân, bài vọng cổ não nùng… Cuối năm, hai chữ thật buồn…

Nguyên Nhi
Send comment
Your Name
Your email address