Nhịp điệu bốn mùa

21/11/201112:00 SA(Xem: 17534)
four-seasons-claude-noel1

Khoa thiên văn, lịch số không biết khởi thủy từ lúc nào trong thời cổ đại Trung Hoa, chỉ biết Hoàng Đế (2402) đã cho lập Linh đài để quan sát và chiêm nghiệm những hiện tượng tinh tú, từ đó lập “can, chi” để tính năm. Đến vua Nghiêu (2145), là người am hiểu thiên văn, căn cứ vào các vị trí của mặt trời ở các cung sao mà đoán định nhị Phân (Xuân phân, Thu phân), nhị Chí (Đông chí, Hạ chí) rồi định năm là 366 ngày.

Từ đó cho thấy đấng quân vương phải hiểu rõ liên lạc mật thiết giữa những tinh cầu trên trời với sự biến chuyển khí hậu, thời tiết, liên quan đến mùa màng làm lụng của dân gian dưới đất, rồi dùng hiểu biết ấy mà hướng dẫn quốc dân trong việc canh nông hay thu hoạch lâm điền, điều hòa sinh hoạt đời sống con người.

Tầm mức quan trọng ấy được thấy rõ qua thiên “Nguyệt Lệnh” trong “Lễ Ký” do đức Khổng Tử biên soạn, lấy kinh nghiệm cổ nhân dựa vào sự tuần hoàn của thiên nhiên qua bốn mùa, tương quan với vị trí các thiên tinh được nhìn thấy khi trái đất quay một vòng quanh mặt trời mà nêu lên những việc vụ vua quan nên làm, dân gian thường làm và miêu tả nét sinh thái đặc thù của thiên nhiên, cỏ cây, loài vật trong chu kỳ một năm.

“Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàn” là tấn tuồng Âm Dương đắp đổi qua bốn bộ mặt hỉ, lạc, nộ, ai của trời đất qua bốn mùa: Xuân như con rồng xanh vẫy vùng biến hóa; Hạ như chim phượng đỏ tung bay; Thu như con hổ trắng rảo tìm mồi; Đông như con rùa đen lạnh lùng chậm chạp. Các nhà thiên văn khi tra cứu đến căn nguyên của thời tiết bốn mùa thì họ lấy đầu mốc từ ngày “Đông chí” và đưa ra nhận định như sau:

Nhìn bên ngoài, Đông chí là ngày ảm đạm của mùa đông đang giăng mắc khắp nơi nhưng tiềm ẩn bên trong lại là ngày “Âm dương hợp tinh”, “Nhật nguyệt hợp bích” nên chính là ngày “Nhất dương lai phục”; nghĩa là ngày bắt đầu của nguồn sống âm thầm tung tỏa từ lòng sâu vật chất và vạn vật, ngấm ngầm hoạt động cho tới ngày Xuân mới thấy phát hiện công trình.

Ngày Xuân phân, dương quang hoàn toàn thắng âm khí. Xuân phân tức là thời điểm giải thoát, nên tháng Hai còn gọi là tháng Mão, vì “Mão” có nghĩa là “cửa trời”, rộng mở để muôn loài lũ lượt kéo nhau ra, vui hưởng kiếp phù sinh.

Mùa Hè mang sức nóng làm tiêu tan tuyết băng trên những đầu non thẳm, khơi chảy rạt rào các nguồn thác suối, châm bơm cho các mạch nước ngầm dưới lòng đất thêm phong phú. Sức sống vạn vật trong mùa hè bừng cháy lên như những ngọn lửa đỏ, muôn hoa rực rỡ trên áo lá xanh um. Cho tới ngày Hạ chí, dương cực thịnh cũng là lúc âm khí vẩn lên trong lòng ánh sáng, nọc độc của sự suy vong tàn tạ bắt đầu tiêm nhiểm vào tinh tủy của muôn loài. Do Âm khí bắt đầu hoạt động nên tháng “Trọng Hạ” gọi là tháng Ngọ, Ngọ có nghĩa là “ngỗ nghịch”, đưa tuần hoàn vào con đường phong trần luân lạc mới.

Mùa Thu là thời điểm của kết quả, gặt hái. Tạo vật đã hoàn tất công trình nên để cho cây cối từ đây ra chiều ngất ngây bả lả. Mùa thu gợi lên sự thịnh nộ của đất trời và sự thúc bách của dân gian, nông dân vung liềm búa sắc bén gặt hái, đốn chặt. Trung Thu là tiết “Thu phân”, sương rơi lá rụng, trong tháng Tám này vạn vật sửa soạn trở vào lòng đất nghỉ ngơi; nên tháng Tám là tháng Dậu, Dậu là cánh cửa trần gian sắp khép lại, các thành quả vật chất thu liễm được, đem vào kho lẫm để dành.

Mùa Đông là mùa “ẩn áo, bế tàng”. Từ thu-phân mặt trời đã đi chậm lại, dương quang yếu ớt. Đông sang, các sinh vật thi nhau lẫn tránh giá rét, thú vật về hang, chim chóc đua nhau vỗ cánh xuôi Nam, con người cũng bắt chước mà về ngơi nghỉ. Đất trời đã hoàn thành công việc nên giống như cánh cửa đóng lại. Vua chúa cũng ra lệnh đóng kho lẫm, đóng quan ải, thành thị, làng mạc; sửa sang lại bờ cõi, đề phòng giặc ngoại xâm. Lạnh lẽo của tuyết sương băng giá phủ trùm lên vạn vật, chu kỳ của mầm sống lại bắt đầu âm thầm lai phục chờ tái sinh.

Dưới đây là phần thi văn, người viết chỉ ghi lại nhịp điệu của bốn mùa ảnh hưởng đến loài vật, cỏ cây và sinh hoạt dân gian, lược bỏ nội dung về trách vụ của vua quan, được trích tác từ thiên “Nguyệt Lệnh” trong “Lễ Ký”; Và cả phần tóm lược bằng tản văn trên, đều lấy từ quyển “Khổng Học Tinh Hoa” (XB 1970) của Bác Sĩ Nguyễn Văn Thọ.

 

NHỊP ĐIỆU BỐN MÙA

 MÙA XUÂN

 Tháng đầu của mùa xuân

Cá ngoi mặt nước băng

Sâu bọ rời hang ổ

Hồng nhạn bay về bằng.

 

Thanh khí trời vận xuống

Vượng khí đất bốc lên

Cây xanh nẩy chồi lộc

Nương rẫy người sửa sang.

 

Tháng hai của mùa xuân

Ưng hóa thành chim gáy

Mưa bắt đầu nhẹ rơi

Hoa đào bừng nở tới.

 

Bước vào tháng xuân phân

Bầu trời nháng sấm động

Nhạn đen về từng đàn

Loài đông miên thức giấc.

 

Tháng giáp ất cuối xuân

Nở tràn hoa ngô đồng

Cầu vòng bắt đầu mọc

Bèo xanh phủ ao mương

Chim cút chạy đầy đồng

Tu hú hót ngàn dâu

Tằm nuôi nhả tơ óng

Dương khí thịnh tràn lan.

 

MÙA HẠ

 

Đầu hạ đến lập hạ

Ếch nhái kêu gần xa

Dưa gang, rau diếp nở

Dược thảo hái phơi khô.

 

Tháng giữa hạ nóng vừa

Chim quyết kêu ban trưa

Chim bách-thiệt thôi hót

Đồng lúa mạch lưa thưa

Ve kêu, bọ ngựa múa

Rau cần nước đâm bông

Hươu lộc nhung thay sừng.

 

Cuối hạ gió nóng thổi

Chim ưng tập vồ mồi

Chân tường lũ dế rúc

Đom đóm đêm chớp ngời

Cỏ khô cắt lưu trử

Thâu lau sậy đầm hồ

Tháng đất ẩm khí nóng

Nước sôi mặt ruộng đồng

Cỏ chết mục thành phân

Ruộng khô tràn mưa lớn.

 

 

MÙA THU

 

Đầu thu gió mát thổi

Ve rít, sương trắng rơi

Chim ưng liệng săn mồi

Chim con bay núp vội.

 

Kim khí hiện oai trời

Ba ngày trước lập thu

Vua quan liền trai giới

Ra đồng lễ đón thu.

 

Tháng này mùa gặt hái

Giữa thu gió mạnh tuôn

Bay về chim hồng nhạn

Bầy én rủ xuôi nam.

 

Thu phân trời dứt sấm

Thú ngủ bít miệng hang

Chim chóc trử lương thực

Đầm khơi nước cạn dần.

 

Rừng muôn màu cuối thu

Hồng nhạn về tạm trú

Cúc nở vàng âm u

Chim biển lặn bắt cá

Sói lùng mồi đứng tru

Tháng đầy sương trắng xóa

Trời rét người trong nhà

Lá vàng rơi lả tả.

 

 

MÙA ĐÔNG

 

Đầu đông trời cóng buốt

Chim trĩ nhào xuống nước

Không còn thấy cầu vòng

Mặt đất nước giá băng.

 

Lập đông mặc áo cừu

Thi nhân bày tiệc rượu

Giữa đông đất lạnh nứt

Băng đóng dầy đầm sông

Chim báo ngày thôi hót

Mùa hổ rừng giao hoan.

 

Tháng có ngày ngắn nhất

Suối nguồn chuyển động tuôn

Cỏ thơm, cỏ lệ lớn

Hươu sắp thay sừng non

Dun đất thu hình trốn

Đông chí tre, cây dọn.

 

Trọng đông rồi quý đông

Nhạn bay về phương bắc

Trĩ kêu, thước làm tổ

Gà ấp trứng trong chuồng.

 

Mặt trời đi một vòng

Mặt trăng về chỗ cũ

Ngày của năm sắp cạn

Chuẩn bị chào tất niên.

 

**

Lê giang trần sưu tập.

Texas, vào đông 2008.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn