Phượng Hoàng được nhân gian biết đến như Vương nữ của các loài chim xinh đẹp, hót hay và múa giỏi. Rất hiếm người gặp được Phượng Hoàng, các bậc thánh nhân, cao tăng, hoặc thiền sư đắc đạo sống ẩn dật trên núi cao hay rừng thiêng, may ra mới có kỳ ngộ trông thấy. Người xưa tin rằng chỉ khi gặp đời thái bình thịnh trị, chim Phượng Hoàng mới xuất hiện. Cho nên người phàm chỉ phỏng theo sự tả lại mà họa nên hình thần kỳ như truyền thuyết và tôn trọng như một linh vật quý hiếm.
Theo truyền kỳ, Phượng Hoàng là con gái út của Tây Thiên Thánh Mẫu, phong tư diễm tuyệt, lời nói văn nhã phong tao, tính khí lãng mạn, đam mê ca múa suốt ngày. Một hôm Hằng Nga từ Nguyệt Điện đến dâng lên Ngọc Hoàng điệu Hạ Nguyệt Vũ, nhằm ngày Phượng Hoàng đang trông coi việc luyện linh đan cho Thánh Mẫu. Nghe các hầu nhi mách lẽm, lòng Phượng Hoàng háo hức, bèn dặn dò chúng giám hộ, lén sang Bắc cung để được thưởng lãm tận mắt điệu Nghê Thường huyền ảo do Hằng Nga dày công sáng tạo vừa hoàn tất. Mải mê nhã nhạc, lúc trở về không may Thánh Mẫu đã ngự đến tuần tra. Vì tội tắc trách do tính khí ham mê âm nhạc, nàng bị đày xuống dãy Hy Mã Lạp Sơn, thuộc Phật địa Tây Tạng. Ở đó, trên đỉnh núi giá băng chót vót có linh chi Tuyết Sâm, nghìn năm nở hoa một lần, độc nhất một hoa, là vị thuốc chính để Thánh Mẫu luyện linh đan. Nàng phải đợi ngàn năm chờ hoa nở hái về dâng lên Mẫu mẹ chuộc lỗi lầm xưa.
Mùa xuân nắng ấm ở Hy Mã Lạp Sơn chỉ đôi ngày. Đứng trên “Sân thượng của trái đất”, ngọn núi “Cao Không Ngơi Nghỉ” được người Tây Tạng phía mạn Bắc Sơn yêu quí gọi là Chomolungma, mang ý nghĩa “Người Mẹ Vĩ Đại Tuyệt Vời của Trần Gian”, còn dân phía Nam Sơn mạn gọi là Sagarmata với ý nghĩa “Thượng Đỉnh Bầu Trời”. Nàng nhìn xuống dòng trường giang Brahmaputra phát xuất chào đời ở ngọn Kailas trong rặng Chemayungdung khoảng 60 dậm về hướng đông nam, ở đó, trong chu vi 30 dậm xung quanh ngọn Kailas, mọc lên nhiều ngôi cổ tự Phật giáo và Bà La Môn giáo. Từ thượng nguồn ấy, con sông Brahmaputra chảy băng về đông bắc ngạn ngang qua những Phật Tháp vĩ đại như Tashilhunpo trong vùng Phuntsogling - Tại khoảng sông này, Đạo Sư Thangtong Gyalpo đã bắt chiếc cầu lịch sử - rồi tiếp tục chảy ngang qua các Phật tháp xa hơn như Mindolin, Changzhusi, Samye. Hầu hết người Tây Tạng tựa vào lưu vực này gọi nó một tên khác là Yarlung Zangbo, họ sống dọc dài theo nó đến tận Zetang, nơi Phật giáo Tây Tạng phát triển tột cùng vào kỷ nguyên thứ Tám.
Bò hiền lành qua khỏi vùng Tháp Phật linh thiêng, con sông Yarlung cất đầu đâm chếch lên, thu mình hẹp lại tại ngọn Pei thuộc Trung Quốc rồi ngóc cong đầu, phun siết nước sông dồn chứa vào một đáy sâu mười ngàn bộ và bất thần cuồn cuộn phóng mình xuống ở độ cao bảy ngàn bộ như một hiện tượng phi thường tạo thành cảnh tượng hùng vĩ suốt 150 dặm dài. Từ trên núi cao hơn hai mươi lăm ngàn bộ này, nó đổ dốc theo hình chữ S cong về hướng tây nam xuyên qua Nepal, bẻ hướng bất ngờ đâm thẳng xuống Bangladesh đổi thành tên Jamuna rồi nhập chung với nhánh sông Ganges từ Ấn Độ chảy sang, tỉa ra nhiều nhánh phụ và thay tên lần nữa là Meghna trước khi chạm vài mũi Bengal hòa nhập vào trùng dương biển mẹ.
Bởi rung động trước sự tươi mới và cảnh tượng hùng vĩ phi thường của vạn vật chuyển mình, Phượng Hoàng bấy giờ cất lên tiếng hót thần tiên để chào đón chúa Xuân, thả hồn mơ màng về tiên giới, nơi ngày xưa nàng tự do tung tăng ca múa suốt ngày cùng đàn tiên nữ.
Chúa tể của loài dũng điểu là Đại Bàng. Vương điểu của loài Đại Bàng thuộc giòng Linh Vũ. Trong hằng hà sa số tiền kiếp đã quy y theo Địa Tạng Vương Bồ Tát, hầu hạ bên cạnh ngài luôn. Khi cần thiết, Điểu Vương dùng oai lực đánh đuổi và khuất phục lũ Kên Kên vốn là ngạ quỉ hiện thân, ngửi có mùi xác chết là bu đến phân thây. Có công phụng hầu Bồ Tát Vương nên một thời được làm bá chủ cõi ta bà khi loài người chưa xuất hiện, dạy dỗ các loài vật dưới đất và trên không đi vào trật tự trời đất. Loài người sau khi thống lĩnh địa cầu còn nhớ ơn, nước hùng mạnh nhất mới được dùng hình ảnh Đại Bàng làm quốc hiệu.
Vương Điểu khoác y bào trên mình đen tuyền, biểu hiệu cho tạng đất. Cổ quấn giải bạch phù, biểu hiệu của mây cao. Cung điện xây trên lưng núi cao vọi. Tránh nơi ô trọc, chọn địa thế hùng vĩ ngự trị, tung hoành ngang dọc bốn phương tám hướng, chỉ thỉnh thoảng giá ngự xuống đồng bằng, vì đồng bằng về sau là nơi an ổn do loài người làm chủ cai trị.
***
Mùa xuân Vua Đại Bàng đi thăm thú chim muông, vỗ an dân điểu, ban lệnh trật tự, truy lùng và tận diệt ác thú gây nhiều tội nghiệt.
Mồng một Nguyên Đán năm ấy, đúng ngọ, Vương Điểu biết là ngày Tuyết Sâm nở hoa, chàng bay đến Hy Mã Lạp Sơn để thưởng ngoạn. Đến nơi, đúng lúc tiếng hót thanh tao đầy não nùng của Phượng Hoàng như lời than thở nhớ quê hương, làm trái tim chàng xúc động mãnh liệt.
“Nàng từ đâu đến, cớ chi buồn bã âu sầu?”
Chàng nghiêm trang cất tiếng hỏi mỹ nhân, một thanh nữ đẹp tuyệt trần mà trong đời dọc ngang chàng chưa từng gặp bao giờ. Mỹ nhân nhan như ngọc, chân mày xanh biếc, môi sen hồng, mắt u huyền. Nàng quàng trên cổ khăn đỏ thắm, xiêm y màu cẩm thạch vân huyết, áo choàng sắc phướng xanh da trời, nhìn vào như thiên tiên.
Khơi động nỗi u hoài, Phượng Hoàng biết gặp người quân tử, nàng kể lễ sự tình...
Từ đó, cứ vào mùa xuân, khi bạch đào bạch mai đã nở đầy, đúng ngọ Tết Nguyên Đán, người ta nghe thánh thót từ trên chót đỉnh Hy Mã Lạp Sơn cao nhất, có tiếng hót một loài chim thật thanh khiết, nhặt khoan, khích thích lòng người sầu muộn trở nên yêu đời, tưới vào tâm hồn người quân tử niềm lâng lâng sảng khoái. Dứt điệu hót, người ta nghe có thêm tiếng chim khác phụ họa ra chiều thống khoái, oai hùng vang vọng cả hang sâu núi thẳm. Tiếng chim ấy khiến người nhục chí đến đâu cũng cảm thấy phấn khởi, ý chí bừng dậy cảm tưởng như mình là một tráng sĩ đứng trên núi cao thét tiếng thét ngàn cân hào khí ngất trời. Nhưng khi chiều về, lúc vầng ô chìm dần sau lưng núi tuyết, không ai không cảm thấy lòng mình héo úa vì cũng chính tiếng chim ban sáng kia cất lên nhưng lại chứa đầy phiền não. Âm thanh não nuột ray rứt thúc bách lòng người cách xa cố quận hình dung trong lòng trăm ngàn mũi kim đao châm chích.
***
“Dù hoa linh chi Tuyết Sâm nở ba năm mới tàn, và mối tình chúng ta hương lửa đã đượm nồng ba mùa hoa xuân ấy, nhưng kỳ hạn mang hoa trở về thiên quốc của thần thiếp không còn có thể lần lựa lâu hơn”.
Nàng đau khổ nắm tay chàng, nước mắt ràn rụa trên mi, cúi đầu ngào nghẹn.
“Giọt máu của chàng, thiếp không thể mang theo. Đó là khối tình thiếp gửi lại, mong chàng ấp ủ thay thiếp cho con trẻ ra đời. Thiếp mang thân lưu đày nơi này, dù địa linh hùng vĩ, nhưng hằng năm sống u mặc, lòng luôn vọng tưởng cố hương. Kết nghĩa đá vàng cùng chàng âu cũng là định mệnh. Gởi thân cho chàng vì chàng là bậc chính nhân quân tử anh hùng, đã chinh phục được trái tim thần thiếp. Nhưng tội nghiệt ăn nằm nơi hạ giới không dễ gì được thiên luật thứ tha, huống chi thiếp mang con về cố quốc. Đành gửi lại chàng. Đành thôi. Đành thôi!”
Vương Điểu cảm thấy trái tim mình oặn thắt. Lời chân tình của vợ, đứa con sắp sửa chào đời, cảnh vật địa đàng nơi vợ chồng hạnh phúc bên nhau... giờ đây... lòng chàng tan nát. Ngước mắt nhìn trời cao, trong đáy lòng chàng bừng bừng như lửa đốt...
“Quả trứng kia là kết tinh của tình yêu, không ngờ lại trở thành nghiệp quả oan khiên. Tình chi? Tội chi? Từ nay, kẻ về thiên tiên, người quạnh hiu nơi cõi thế. Mọi thứ phù vân, tất cả là ảo tưởng. Thôi, ta hãy lo tròn bổn phận làm cha, nuôi con trưởng thành rồi về bên chân Bồ Tát”.
Đêm ấy, rặng Hy Mã Lạp Sơn bão tuyết mịt mùng, sấm chớp rền vang, gió hú oán hờn. Người sơn cước nghe tiếng chim Đại Bàng kêu thét bi ai thảm thiết suốt đêm trường. Tangtong Gyalbo là một Đạo sư Tây Tạng cả đời tu luyện trên lưng núi, chưa bao giờ chứng kiến hiện tượng phong thanh điểu lệ dị kỳ như vậy. Buổi tọa thiền thường lệ trước khi ngài lui nghỉ đã bị khuấy động bởi tiếng chim gào thét vang dội kia. Ngài thở dài, lần tay bấm độn.
“Nghiệp báo, nghiệp báo!”
Ngài lẩm bẩm như hiểu rõ việc gì xảy ra.
Đứng dậy bước lần ra Phật tượng, ngài quỳ xuống trang nghiêm, tay lần chuỗi hạt, miệng nhẩm tụng Tâm kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật:
“Quán Tự Tại Bồ Tát, hành thâm Bát Nhã Ba La Mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẫn gia không, độ nhất thiết khổ ách...”
***
Vương Điểu nhớ lại lời dặn dò của vợ trước khi từ biệt:
“Thiếp bị đày, dù sống nơi linh địa hùng vĩ nhưng trong lòng u mặc. Thiếp vượt chấp lễ Trời, ăn ở với chàng có giọt máu đã là tội trọng, nếu chàng vì công sinh thành mà nắm giữ con bên mình ắt trước sau mắt Trời cũng đoán biết. Âu là chàng đưa con xuống đồng bằng cho sống trà trộn gần gũi loài người, may ra con chúng ta thoát khỏi sự truy tầm của Thiên tướng về sau. Hãy nhớ lời thiếp dặn, đứa trẻ vô tội, đừng bắt nó gánh chịu nghiệp duyên cha mẹ”.
Vương Điểu tìm xuống đồng bằng, chọn địa phương được xem là vùng đất Phật, kỳ quan Đế Thích Đế Thiên đã được các Vua và tăng chúng xây dựng hoàn hảo, con người sinh sống nơi đây nhiều thiện tâm hiền tánh nhờ truyền thống lâu đời yêu chuộng âm nhạc, ca vũ.
Con chàng đã được chàng truyền dạy tính anh hùng, lòng dũng cảm, chí khí bất khuất, tâm độ lượng nhưng quyết định, võ bách thắng nhưng không chủ quan, chiến thắng nhưng không tàn nhẫn, cứng rắn nhưng không ác độc. Chàng đưa con đến cánh rừng thiêng đã chọn lựa, từ giã con bằng lời dặn dò chung quyết:
“Với hình vóc đẹp đẽ do mẹ tạo nên, tư thái oai phong lẫm liệt và tính khí anh hùng do cha truyền lại, từ đây con sẽ không bị khuất phục bởi bất cứ loài vật nào. Loài người sẽ yêu quý con, trân trọng và thân thiết với con. Vì con sẽ đại diện họ, thực hiện lòng khao khát tiềm ẩn của họ. Họ bị áp chế luân lý, tuân theo luật lệ đời sống con người, nên luôn khao khát quyền lực và thường xuyên đè nén thú tính ẩn chứa trong lòng.
Khi gặp con, chắc chắn họ sẽ nhờ con giải quyết ẩn khuất đó. Bởi vậy, đối với người anh hùng, quân tử, con hãy dùng tài năng cha đã truyền dạy cho con chứng tỏ cho mọi người thấy rằng con và họ xứng đáng như vậy. Với bọn tiểu nhân, bọn khoe khoang bạc tiền, bọn bị ám ảnh bởi sức mạnh của quyền lực, bọn mất nhân tâm, đầy dã tính, con hãy dùng đức kham nhẫn và có thể cả đức hy sinh thân mình để làm bài học răn dạy họ.
Trong trường hợp bắt buộc như vậy, người bất tri, kẻ phàm phu có thể nhìn con là kẻ chiến bại. Nhưng bài học này là để cho bọn người lợi dụng kia thấm hiểu thế nào là nhục nhã ê chề bởi tham dục ẩn chứa trong lòng. Họ rồi sẽ tán gia bại sản, gia đình sụp đổ nếu không kịp cảnh tỉnh dừng lại phán xét lấy mình, nhận ra hư thiệt. Những kẻ xung động như họ, đấu trường chỉ là phương tiện để phô bày tham dục, để buông lời nhục mạ lẫn nhau; và nếu họ mù quáng si ngông quá mức, họ sẽ đi đến tự vẫn.
Ta có lời nguyền rằng kẻ nào xúc phạm đến thân thể con, gia sản họ dù giàu to như vua chúa cũng tàn mạt. Kẻ nào hủy hoại phần xác của con, phần hồn họ và con cháu họ sẽ không được yên nghỉ, giòng tộc họ sẽ ly tán lụn bại, cầu thực tha phương. Từ nay, con là vua loài chim ngự dưới đồng bằng, cha là vua loài chim ngự trên núi cao. Ngoài mẹ con ra, không còn một loài chim nào có thể cao quý hơn chúng ta”.
***
Đất Kinh Bắc ngày trước được coi như cái nôi của nền văn hóa cả nước, nằm hướng bắc kinh thành Thăng Long, nơi truyền thống hội hè và âm nhạc rất phong phú.
Lê Tuấn là con một của nhà địa chủ và vừa là một thương buôn giàu có. Sinh trưởng tại đất ngàn năm văn vật, gia thế sang giàu nên chàng là một trong những tài tử ăn chơi khét tiếng nơi kinh thành và khắp các thị trấn lân cận. Tiền xài như nước chảy, giai nhân bao quanh như bướm lượn, bạn bè đông đảo như đám ong. Tính khí hào hoa công tử nhưng có lòng từ tâm. Thú đam mê chính của chàng lại không phải là trận cười thâu đêm suốt sáng với mỹ nhân, không phải tiệc rượu trọn ngày với bằng hữu. Thú đam mê của chàng tao nhã hơn: chơi chim và chọi gà.
Nhà chàng có khu vườn cây trái mênh mông, đặt tên là “Điểu Uyển”, trong vườn nuôi đủ các loại chim lớn như Phụng, Khổng, Trỉ, Hồng Hạc, Bạch Hạc, Thiên Nga, Trích, Gà Lôi... Các loại chim hót như Yến, Họa Mi, Anh Vũ. Các loại chim nói như Nhồng, Sảnh, Sáo Sậu, Sáo Nghệ, Cưỡng... Nhất là các loại gà chọi được sưu tầm khắp nước mang về từ Bắc chí Nam đủ giống, đủ loại. Từ gà Bướm, gà Lau, gà Nhạn, bông Trích, Xám, Điều, bông Chuối, gà Mái Lại, gà Ô, gà Ó... Trong làng gà chọi, chàng là cao thủ được kiên dè vì tiền bạc cũng lắm mà gà chiến cũng thừa.
Sáng sớm tinh sương, Lê Tuấn đã có mặt trong khuôn viên độc đáo của chàng. Cho chim chóc ăn xong là nhanh chân đến chỗ nuôi gà chọi, đích thân ôm từng con ra khỏi chuồng, vuốt ve, mơn trớn, nựng nịu. Con cho ăn lúa, con cho ăn thịt bò tươi, con cho mút trứng gà... đã đời rồi mới cho vào “lồng ép” lại. Cho vào lồng ép phải biết sao cho có kỹ luật và mỹ thuật: nâng gà lên trong tay rồi đút ngược để cho đuôi gà vào trước mới đúng điệu nghệ. Không bao giờ tay nhà nghề lại đưa đầu gà vào trước, làm mất thể thống con gà. Đưa đuôi vào trước thì khi vào lồng, con gà ngó mặt ra trước trông oai nghi hơn.
Con gà nào nuôi thúc để mang ra trận mạc thì chàng mang ra “vần sương” và “nhồi gà”, “sổ gà”. Khi nhồi gà, chàng đưa tay hữu bợ bằng hai ngón dưới ức con gà, nâng cho gà hỏng cẳng khỏi mặt đất độ hai tất, nhồi nhẹ nhẹ cho gà biết ý thủ thế trước, rồi lẹ làng vừa nhồi mạnh vừa rút tay ra, gà bỗng nhiên bị mất thăng bằng rớt xuống chổng cẳng sẽ biết dùng hai gối chống chỏi thế nào cho khỏi té. Cặp nào chàng muốn sổ thử thì lấy lá chuối khô, vải và da mềm, bịt cựa lại rồi thả hai con cho đá nhau trên bãi đất mềm hay trên đám cỏ tơ xén ngọn mới mọc lên lúp xúp. Xổ, vần, tắm gà xong là chàng loay hoay vô nghệ cho gà. Con nào đến ngày xả nghệ thì chờ đến lúc bông mười giờ nở, nắng đủ ấm, chàng dùng xác trà huế cọ chà khắp châu thân gà cho sạch sẽ, rồi thả gà cho xả hơi, bay giỡn. Buổi sáng nào của chàng đều như vậy.
Trong số những con gà đá chàng tuyển chọn nuôi, có con Ó Mã Lại sắc lông đen tuyền, đứng đi hùng vĩ, mắt chân linh mẫn. Đặc biệt, dù cổ con Ó Mã lại đã nhổ trọi lông khoe cần đỏ au, nhưng lông mọc ra trên cổ lại trắng tinh, nếu để nguyên một thời gian không nhổ chắc chắn sẽ mang một hình thù kỳ dị: lông thân, lông giò tuyền đen mà lông cổ lại mượt bạch. Ở xa nhìn nó, nếu không để ý phần lông đuôi, người ta có thể nhìn lầm ra con ó biển hay giống con diều hâu, đại bàng. Đây là bí mật, Lê Tuấn không đời nào cho ai biết gì về lai lịch con gà Ó của chàng. Người ta chỉ biết sau lần chàng xuôi phương Nam lùng gà chọi quý, lần trở về đó chỉ ôm về độc nhất con Ó Mã Lại, quấn nó trong chiếc khăn gấm như của gia bảo, giọng trầm trọng nhưng cực kỳ thống khoái cho biết giá trị nó rất cao, cả trăm con chàng đang nuôi có bán đi cũng chưa đổi được nó. Vậy thôi, lai lịch gốc gác giống nòi của nó thì chàng dấu bặt, bạn thân thiết nhất cũng không biết một mảy may.
Con gà này khi ngủ sãi chân xòe cánh, cổ ngoẹo xuống như chết, giả tướng độc đáo này được thầy gà hạng tổ sư đặt biệt danh là gà “Tử Mị”. Khi ra trận nó mới hiển lộng thật tướng, nó vỗ cánh, túc con, hùng hùng củ củ, oai phong lẫm liệt khiến gà kia khiếp vía hoảng hồn. Và, khi nhập độ, trong vài ba miếng xạ đầu, gà nọ như bị thôi miên bủn rủn không ra đòn được, đứng xớ rớ chờ nó dứt mũi cựa là xong. Gà nào gặp nó cũng như gặp phải diều hâu, đại bàng. Họa hoằn con nào gan lắm cũng chỉ chịu nổi ba bốn đòn, không bị đâm vào “giao long” huyệt, cũng “chữ tử”, “hang cua”. Cặp giò nó một chân có vảy “liên giáp nội” đóng ngang hàng cựa nhìn giống hàm rồng gọi là “long hàm”, chân kia ngoài vảy “khai vương” có vảy “huyền châm” nhỏ xíu chen chính giữa các vảy khác đóng ngang cựa. Đôi cựa “Nhật Nguyệt” của nó chuyên đá “đòn dọc”, đứng trước địch thủ là tung cước tạt ngay vào tử huyệt ở cần, ở mặt đối thủ.
Ngày Lê Tuấn ôm con Ó Mã Lại về, không hiểu tại sao nó mang thương tích trầm trọng, máu me xơ xác. Chàng gần như bặt giao với bạn bè, đóng cửa, không lui tới kinh thành, hủy bỏ luôn một số độ gà đánh cược to đã giao ước. Ngày đêm săn sóc nó không rời, nào ngậm rượu nút máu bầm, nào đổ sâm, thoa nghệ, vít vá thương tích. Đến độ nhằm ngày tốt đã coi, cha mẹ định đưa chàng đi xem mắt vợ, chàng cũng viện đủ lý do để vắng mặt, ở nhà.
Hai tháng sau, con gà Ó lành lặn mạnh khỏe cũng là ngày tân hôn vội vàng của chàng vì theo lịch tử vi, các tháng về sau kể cả trọn năm tới cũng không có ngày tháng nào hợp tốt cho đôi tuổi tân lang và tân giai nhân. Cha mẹ cưới về cho chàng một người vợ xinh đẹp sắc xảo, con một gia đình vọng tộc thân thiết ở Hà Đông, đôi bên gia đình đã hứa cưới gả từ khi chàng còn tấm bé.
Tác giả Vương Hồng Sển, trong “Phong lưu cũ mới”, có tả một đoạn về sự thất nhơn tâm của người chọi gà thua như sau: “Có người không chút lương tâm, thua độ gà buổi trưa hụt tiền, ôm con gà về, hiền thê giận lẩy không nấu cơm, phần gà bị cựa đâm bấy bá đầy mình, nếu làm thịt nhổ lông sạch, thấy vết bầm vết máu tím đen ắt không tài nào nuốt vô khỏi cổ. Lòng ác cảm đã lên cực độ thêm tấm gương đàn bà treo mỏ không dọn cơm, bèn ra sau bếp để nguyên con gà sống nhăn vào cối giã gạo (bộ đồ lòng đã lấy lên trước làm món nhậu lai rai), rồi lấy chài quết con gà còn nguyên lông lá xương thịt, máu ra đỏ cối, quết nhừ rồi để y vậy cho vào trã lớn, bỏ thêm ba hột gạo sót đít khạp, làm nên món ăn bất hủ: ‘Gà nấu cháo cối!’... Ba đời chủ gà dã man đến thế, vẫn cất đầu lên không nổi. Ai đời, con vật trung thành khi nó thắng độ làm giàu cho mình, chẳng may sa cơ thất thế gặp con khác cao tài hơn, thua độ lại bỏ vào cối quết. Không tự trách mình cáp độ kém lại trút tội hết vào con gà?...”
Lê Tuấn là người hiền tâm nên không như đám chủ gà mà Vương Hồng Sển vừa kể. Con gà độ nào chết chàng chôn cất tử tế, con nào bị thương nặng không ra trận mạc được nữa thì chàng thuốc thang dưỡng lành rồi cho “giải ngũ”, chỉ chuyên đạp giống, hưởng thụ một đời hạnh phúc bên gà mái gà con. Riêng con Ó Mã Lại, không những chưa thua trận nào, công trạng bách chiến bách thắng của nó còn mang về cho chàng tiếng tăm lẫy lừng, đồn đãi đó đây, và tiền thắng độ bao giờ cũng thật to do lòng thù hận và quyết tâm muốn triệt hạ nó mà nhiều chủ gà thua cuộc đã thẳng tay cược lớn.
Chàng tài tử càng tài tử hơn, phong lưu càng phong lưu hơn. Từ khi mang nó vào gia đình chàng, cha chàng buôn bán bỗng dưng trúng nhiều vố lãi to. phát triển thêm hai cửa hàng ngoài kinh thành mà khách mua vẫn tấp nập chen vai. Mẹ chàng có hiệu buôn bán vàng và đá quý cũng may mắn không kém, món nào mua vô bán ra đều lãi năm lãi mười.
Con Ó Mã Lại được xem như báu vật mang vận hên đến cho họ tộc nhà chàng. Bởi vậy, chàng tưng tiu nó như con ruột của mình, săn sóc phụng hầu nó hơn cha mẹ. Vợ mới cưới của chàng so với nó kém hẳn phần sủng ái. Khó ai đụng được cọng lông đuôi nó.
Cũng chính vì thế, mở ra một trời oan nghiệt.
Người vợ Hà Đông xinh đẹp của chàng từ khi về nhà chồng, thay vì những ngày tháng đầu tình vợ chồng đầu ấp tay gối phải nồng nàn da diết quấn quít không rời, đằng này nàng chỉ nhận được sự hững hờ tẻ nhạt và nghiêm nghị của chồng.
Chồng nàng ăn nằm với nàng như một thủ tục. Thái độ đối xử với nàng là cử chỉ lịch sự của người trưởng giả chứ không bằng ưu ái cưng yêu. Thật là trái ngược với mơ ước của người thiếu nữ lên xe hoa như nàng, liên tưởng tiếng cười khúc khích và nét mặt thẹn thùa của mình trong vòng tay vòi vĩnh người chồng, bế bồng nàng ngụp lặn sông ân bể ái trong thời kỳ phong hoa ong nhụy khó rời. Nàng cay đắng nhất, là hành động của chồng ngay trong giữa đêm động phòng. Sau dâng hiến đầu đời cho chồng, cảm giác hạnh phúc còn tràn lan trong châu thân, nỗi lo sợ phập phồng của cô gái trinh nguyên còn chưa hết trên gương mặt ngượng ngùng chăn gối, hơi ấm còn vấn vương nồng nàn mùi da thịt thì chàng đã vội vàng nhỏm dậy khoác áo bương bã ra vườn “Điểu Uyển” để thăm nom con gà Ó Mã Lại. Nàng ngỡ ngàng khi chàng chuồi khỏi lớp chăn bông. Đôi mắt đang lim dim tận hưởng dư vị hoan lạc bỗng phụt tắt, mở trừng nhìn lên trần phòng u tối như người rớt xuống đáy vực trông lên. Nàng mơ hồ về một viễn tượng bất hạnh vì người mình trao thân gởi phận còn bị một hấp lực khác mãnh liệt hơn nàng, thu phối trọn vẹn.
Nỗi tái tê ê chề đó không chỉ một lần duy nhất trong đêm dạ chúc mà nàng có thể xí xóa quên đi. Cứ mỗi đêm sau hồi ân ái, dù có khi chàng nuông chìu nằm nán lại thêm dăm phút cuộc tàn, nhưng rồi lần nào cũng thế, cũng bỏ ra sau vườn thăm nom con Ó Mã Lại hồi lâu mới trở vào giường ngủ, mình mẫy đầy mùi hôi nghệ hôi gà. Ganh tức, nàng đâm ra căm thù con gà quỉ quái đó. Nó là cái thá gì mà chồng nàng quý trọng thương yêu hơn nàng? nó chỉ là con gà đen đúa gớm ghiếc. Đã thế, vừa sáng tinh sương, chồng nàng thức giấc trở mình thay vì ôm ấp nàng trong tay khơi dậy lòng ham muốn ái ân, lại không cả một chiếc hôn âu yếm, lẳng lặng đi xuống chuồng gà chuồng chim. Chồng nàng phải chọn một trong hai, chắc chắn khi nàng đã là phu nhân trong nhà này nhất định không thể nào còn có mặt con gà đen ghê tởm đó. Một con vật không thể nào tước đoạt hạnh phúc trong vòng tay của nàng được cả!
Đầu tháng mười ta, khi người nông dân đã hưỡn đãi việc đồng áng, bắt đầu nghĩ tới việc đá gà, Lê Tuấn cũng sửa soạn lên đường xuôi nam một tháng để viếng thăm các tay chủ gà quen biết và dọ tìm giống gà nòi rặt đổ từ các kiện tướng lừng danh đàng trong. Chuyến đi này chàng đặc biệt sẽ tìm tới thăm một người.
Cuộc hành trình mới độ nửa tháng, một đêm trong quán trọ, chàng nằm mơ thấy một người đàn bà cầm gươm chém phạt vào chàng bay mất một cánh tay và tiện lìa một nửa chân máu tuôn xối xả. Chưa kịp nhận diện thì người đàn bà mơ hồ ấy biến mất. Choàng thức giấc, mồ hôi toát đầy mình, trong bụng bồn chồn lo lắng. Sợ ở nhà có điều bất ổn không may, dù còn sáng tinh mơ, chàng quày quả thu xếp hành lý trở về. Chỉ vừa kịp quần quanh Gia Định, Thủ Thiêm, chưa xuống tới Bảy Sào, Sóc Trăng, và nhất là phải bỏ dở ý định đến thăm người chàng muốn gặp, ẩn cư trên ngọn núi Sam tỉnh Châu Đốc.
Về chưa đến cửa, gia nhân đã chạy ra báo cho Lê Tuấn biết vợ chàng mắc bệnh đột ngột. Vào buồng thấy vợ đang nằm, cần cổ sưng to ra đến mé cằm, nước vàng theo da căng nứt rỉ ra hôi thối, chỉ rên ư ử nhỏ chứ không nói được. Bệnh đột phát khi chàng rời nhà mươi bữa, gần đây thôi. Nhưng việc động trời là gia nhân cho biết con Ó Mã Lại một đêm bị chồn phá chuồng vào vật cổ chết, phu nhân ở nhà đã cho làm thịt ăn.
Nghe xong, mặt mũi tối tăm, chàng ngửa cổ kêu trời như bọng:
“Làm sao cớ sự có thể như vậy được?”
Chuồng con Ó Mã Lại được xây riêng bằng gạch, cao ráo rộng lớn hơn cả chuồng heo, ngoài cửa chính đi vào có khóa cẩn thận, ban đêm còn lắp thêm lớp cửa lưới chì mịn bên trong, chuột nhắt cũng không thể chui vào lọt. Con Ó Mã Lại lúc ngủ tuy trông như gà chết, nhưng là một linh vật khôn lanh như người, khó con vật nào phạm vào nó được, ngay người không phải chủ nó cũng khó sờ tay vào sợi lông đuôi. Gia nhân chàng có lơ đễnh quên cài khóa cửa chăng nữa, một con chồn lọt vào chuồng không thế nào làm gì được nó. Chàng tin chắc mười mươi như vậy. Gia nhân kể lúc sáng ra cho lũ gà ăn mới khám phá con Ó Mã Lại đã gãy cổ nằm chết, chân bầm vập và giò kia gãy lọi, bên cạnh là xác con chồn to tướng hai mắt bị mổ đổ máu. Chốt khóa cửa không hiểu vì sao lại sứt ra như bị nạy phá.
Tuy quá buồn bã và đau khổ trước sự việc không ngờ, nhưng bệnh tình của vợ còn quan trọng hơn cái chết con gà Ó Mã Lại yêu quý bậc nhất trên đời của chàng. Nghĩ như vậy cũng không ngoa, vợ chàng đáng ra là người được chàng thương yêu hơn tất cả, không hẳn vì do cha mẹ cương quyết đứng ra cưới hỏi mà chàng lạnh nhạt gối chăn, nhưng vợ chàng mang tính kiêu căng và phí phạm của hạng nhà giàu quen thói, điển hình là thái độ hống hách với gia nhân là điều chàng không bao giờ bằng lòng. Nhìn cặp mắt long lên sòng sọc của nàng quét vào đám gia nhân mỗi khi không hài lòng việc sai bảo hay chúng làm phật ý nàng, chàng thoáng nhận ra tính ác đức của vợ.
Đối với chàng, nàng không ra mặt chống đối việc chồng dễ dãi và bênh vực bọn người ăn kẻ ở, nhưng khi riêng tư vắng vẻ là nàng lên giọng chỉnh đốn chồng phải tỏ ra phong cách chủ nhân ông, cái phong cốt mà với tính phúc hậu của chàng từ khi còn tấm nhỏ cho mãi đến lúc trưởng thành như hiện nay, chưa bao giờ chàng có thái độ kiểu cách như vậy. Nhất là nàng mượn khi chăn gối thỏa mãn, ái ân xong kê đầu nằm gác lên tay chồng, miệng kề tai là bắt đầu thủ thỉ mách vạch những công việc sai trái của tôi tớ, những chuyện mà đúng ra sau khi nàng về nhà chồng phải tự lo liệu gánh vác thay thế giải quyết cho chồng, khi nào việc chi quan trọng ngoài định đoạt của người vợ hẳn cho chàng hay. Chàng công việc đa đoan, riêng thú giải trí với chim chóc và đàn gà chọi đã chiếm mất nửa ngày, còn lại là thì giờ thỉnh thoảng lui tới kinh thành giao dịch, gặp gỡ bạn bè, ghé vào thanh lý sổ sách một trong hai cửa hàng lớn của gia đình do chàng trách nhiệm.
Từ khi có vợ, vợ chàng đã chiếm mất một số thì giờ quý báu của chàng. Ngay thông lệ mỗi sáng luyện chim, quần gà bất di bất dịch của chàng cũng phải thu ngắn bớt. Mới mười giờ hơn, vô nghệ, xả nghệ, tắm gà chưa xong, vợ chàng đã cho gia nhân mời vào điểm tâm cùng. Rất bực bội, nhưng vợ mới cưới, chàng còn thủng thẳng chưa ra nghiêm lệnh vội. Ấy là chưa kể vì ghen tức so bì ngấm ngầm với thú tiêu khiển của chồng, mỗi sáng sớm khi chàng chỗi dậy ra vườn điểu uyển, nàng mê ngủ không hay thì thoát, còn trở mình thức tỉnh là thế nào nàng cũng ôm ghì chồng, nũng nịu vòi vĩnh ái ân. Nàng lẳng lơ làm ra vẻ xấu hổ, thỏ thẻ viện dẫn rằng chỉ vào giờ giấc tinh mơ sáng, cuộc ái ân mới cung hiến cho nàng cảm giác tột đỉnh. Chàng biết đó chỉ là lý do níu giữ chàng lại để khỏi ra vườn. Nàng còn bảo sao chàng không sai gia nhân làm thay các công việc ấy. Nàng làm sao biết được nghệ thuật nuôi chim nuôi gà là thú vui riêng, đâu dễ giao vào tay ai, nếu đã giao phó được việc ấy cho lũ gia nhân, chàng không phải cực nhọc thức khuya dậy sớm.
Dù là tay đào hoa khét tiếng ăn chơi, nhưng chàng rất khinh bỉ loại đàn bà đa dâm quá độ. Người đàn bà khi ăn nằm phải nồng cháy, tỏ lộ hứng khởi và đồng điệu thì dễ khích động người đàn ông trong cuộc thỏa mãn và dìu họ đến tận cùng của khoái lạc mây mưa. Tuy sự thật đó khó chối cãi mà còn được ưa thích là đằng khác, nhưng ngược lại, ở người đàn bà đông phương khôn khéo, dù nhạy cảm đến đâu, mọi tư thái biểu lộ thụ hưởng thường là kín đáo và tế nhị. Nương theo từng giây phút nồng nàn mà không lộ liễu dâm sắc, đạt tới khoái cảm tột cùng mà không phát tiết dâm ngôn thốt rên lời khiếm nhã mất kềm chế, mắt ngây mà không đờ đẫn tái tê, tứ chi bủn rủn mà thần thái không dã dượi hôn trầm. Hiếm người đàn bà hiểu được nghệ thuật ái ân, bao nhiêu tật tánh xấu đều bộc lộ trong giây phút rơi vào tuyệt đỉnh, kêu bố kêu me, rít thở hào hễn, mắt lờ đờ ngây ngất... Người đàn ông bất ngờ khám phá nhục tính này nếu thuộc người lịch lãm trí thức như chàng sẽ cảm thấy nhờm tởm và ngấm ngầm khinh bỉ nữ nhân lộ đầy thú dục giao hoan.
Không may cho chàng, vợ chàng lại thuộc loại đàn bà đa dâm đầy thú tính. Mỗi lần nàng thúc nhịp rên toáng lên trong cơn khoái lạc là chàng tự dưng mất hết mọi cảm giác, phần xấu hổ sợ lọt vào tai lũ gia nhân, phần hồi tưởng đến “phòng trung thuật” của bọn cô đầu bán thân mà chàng từng tung bạc tiền mua tiếng cười thâu đêm với họ. Do đó sau mươi ngày đầu tiên chung đụng, “phong quyển tàn vân” với vợ, chàng chán chường trong lòng mà khó thổ lộ cùng ai chuyện màn the trong trướng. Rồi chàng dứt khoát không bỏ lơi thông lệ của mình, dù hiểu rằng vợ chàng trong lòng chứa đầy ghen tức với thú tiêu khiển của mình, cũng mặc.
Săn sóc thuốc thang cho vợ hơn tháng thì nàng qua đời. Đau khổ vì con Ó Mã Lại đã mất, thêm muộn phiền việc tang chế rườm rà, trông chàng phờ phạc hẳn ra, người xọp xuống. Sau khi chôn cất vợ, muốn quên đi phiền não, tránh dịp đầu năm khách khứa viếng thăm, chàng lên thẳng kinh kỳ.
Suốt ngày và nhất là trong Tết Nguyên Đán, chàng vùi đầu vào những tiệc rượu tiêu sầu với bạn bè, hết phường cô đầu này đến phường cô đầu khác. Người ta cho vì chàng đau khổ trước sự mất mát người vợ xinh đẹp sắc xảo kia nên buông mình vào nơi tài tử ăn chơi. Không ai biết chính cái chết con Ó Mã Lại mới làm chàng đau khổ trác táng đến nông nổi vậy. Nó là Linh Kê, theo lời người giao phó nó lại cho chàng, tuổi thọ nó rất cao, khó con vật nào xúc phạm đến được. Chàng nuôi nấng, nó sẽ mang đến vận may không ngờ. Bằng chứng đã cho thấy kho vựa nhà chàng vun cao, tiền bạc chảy vào nhà không kể siết, việc bán buôn của cha mẹ chàng phát triển nhậm lẹ khó tưởng tượng. Chỉ sau đôi ba tháng mang con Ó Mã Lại về, người ta nhìn thấy bề thế nhà chàng tăng lên thập bội. Mọi chuyện gì chàng mó tay vào cũng thuận lợi suôn sẻ và sinh ra tiền bạc. Tiếng tăm chàng nhờ đấy mà lừng lẫy lan ra nhiều địa phương phụ cận, người kinh đô cũng nhìn chàng bằng cặp mắt ngưỡng vọng.
Nhưng người giao sinh mệnh con Ó Mã Lại cho chàng cũng nhấn mạnh thêm bằng giọng nghiêm trọng trước khi bảo chàng suy nghĩ cẩn thận về quyết định cưu mang nó, là nếu vì lý do nào nó mất đi, cuộc đời chàng sẽ long đong, sự nghiệp to lớn mấy cũng khó bề gìn giữ. Thú mê gà chọi đã khiến chàng mù quáng, sau khi xem xét nó kỹ lưỡng từ lông, vảy, tướng cựa, tướng chân, chàng mạnh dạn nhận lãnh nó như nhận lời thử thách cùng vận mệnh. Sự giàu có vững vàng của gia đình chàng hiện thời nhìn thấy rõ, chàng không tin rằng sẽ có bất cứ nguyên nhân rủi ro sụp đổ nào có thể xảy đến cho gia đình chàng được.
Con Ó Mã Lại chết rồi, những lời nói kia giống như lời tiên tri rùng rợn đã ngày đêm ám ảnh chàng khôn ngơi, dù trước mắt chưa thấy một hiện tượng nguy cơ hay một việc xui xẻo cỏn con nào xảy tới. Chàng mượn rượu giải sầu và tìm quên, hầu như say khướt suốt ngày đêm bên tiếng đàn giọng hát. Mọi việc kinh doanh giao lại cho người quản gia già quán xuyến. Chim gà cũng thuê một tay thiện nghệ tạm thời chăm sóc thay. Chàng muốn ở lại ngôi dinh thự sang trọng của chàng nơi kinh thành một thời gian để lắng quên mọi việc. Không thể nào ở trong ngôi nhà trên Kinh Bắc mà không bị hình ảnh thảm thê của con Ó Mã Lại ám ảnh với những lời nghiêm trọng của người giao chuyển nó lại.
***
Chàng đang say ngất ngưỡng cùng chúng bạn trên một ngôi tửu lầu bậc nhất tại kinh thành. Bỗng nghe có người ăn xin thốt lên bên cạnh “Mô Phật, thí chủ từ tâm xin nhủ lòng bố thí”. Giật mình, chàng quay lại bởi tiếng nói ấy rất quen tai. Sửng sốt. Đây là vị Quán Chiếu Thiền Sư, người đã đích thân giao lại cho chàng con Linh Kê Ó Mã Lại trong kỳ chàng vào nam xục xạo miền biên giới Châu Đốc - Cao Mên, người đã nói những lời đầy bí ẩn về con Linh Kê, người mà chàng dự tính trong chuyến xuôi nam vừa rồi sẽ đến thăm viếng tại núi Sam Châu Đốc để cảm ơn lòng tốt tặng chàng con Linh Kê đầy may mắn, mang phúc lợi đến cho gia đình chàng.
“Thí chủ nhận ra bần tăng không?”
Quán Chiếu Thiền Sư điềm đạm nhìn Lê Tuấn, chờ đợi một bày tỏ quan trọng.
Chàng chợt như người choàng tỉnh, đứng lên chấp tay niệm Phật hiệu, nghiêm trang chào lại vị thiền sư rồi nói liền:
“Không ngờ! không ngờ! tôi rất mong mỏi gặp Đại sư. Đang dự tính thu xếp vào nam chuyến nữa để tìm đến tham vấn ngài thì ngài đã hiện thân nơi kinh thành xa xôi này. Thật thất lễ. Cũng là cơ duyên cả. Xin kính thỉnh Đại sư về tư gia, thật là có lắm điều để nói”.
Chàng giới thiệu một cách cung kính vị Quán Chiếu Thiền Sư cùng mọi người, rồi từ giã mọi người, để lại món tiền hậu hỉ dư thừa cho chúng bạn tiếp tục cuộc vui. Chàng kính cẩn mời vị thiền sư cùng lên xe ngựa trở về dinh thất.
“Bần tăng vì đại nạn của thí chủ mà lặn lội tìm đến. Con Linh Kê ngày trước được bần tăng tình cờ khi vào rừng sâu vùng Đế Thiên Đế Thích hái thuốc mà cứu nó khỏi tay con hắc báo. Bần tăng rày đây mai đó nên không tiện nuôi giữ, lúc trở về gặp thí chủ tại Châu Đốc, nhìn ra người có phẩm hạnh từ tâm nên xem như cơ duyên, không ngần ngại giao phó nó vào tay thí chủ.
Những tưởng nó sẽ được an thân sung sướng trong tay người chủ hết lòng thương yêu, ngờ đâu một đêm sau buổi tọa thiền, bần tăng thấu hiểu mọi sự đã do lòng ganh ghét tiểu mà nó đã hóa kiếp. Tuy báo nghiệp đều có căn do, nhưng sự ác độc vô tâm đó đã làm nổi cơn thịnh nộ của Vương Điểu, người cha có giọt máu độc nhất sinh ra do mối tình đau khổ để lại đã thốt ra lời nguyền rủa độc nghiệt cho nhân gian. Về sau này, loài chồn cáo sẽ thay con người chiếm lĩnh giang sơn gấm vóc do tổ tiên ta đã dày công dựng lên và gìn giữ. Loài quỷ quái này sẽ đầu độc tư tưởng và tiêu tán nhiều thế hệ suốt hơn sáu mươi năm phủ trùm tang tóc. Lửa chiến tranh sẽ nổi dậy, xương máu sẽ lan tràn. Người giàu có sẽ bị tước đoạt và hành hạ. Người tham gia chiến tranh bị chết chóc, tù đày, tàn phế. Người thiện tâm hay phúc đức sẽ có thuyền “Bát Nhã” đưa sang bờ bến khác. Người cơ duyên hoặc may mắn cũng được chư Phật độ trì qua biển qua rừng lánh xa quỷ cáo.
Xứ Kinh Bắc của thí chủ thật không may, từ nay về sau ngay cả người dân hiền lành cũng chịu tiếng nhơ oan “xướng ca vô loại”. Ôi một trường thiên lịch sử chỉ vì một lời nguyền nghiệt ngã! Gia đình thí chủ rồi đây sẽ tản lạc tha phương, sự giàu có sẽ tan thành mây khói. Thí chủ nhờ vào nhơn đức nên mạng sống hãy còn nếu mau mau dời gia cư về phương Nam sinh sống, chần chờ e trong sớm chầy không kịp trở tay.
Đó là thiên cơ, vì cơ duyên lớn của thí chủ, lại nhờ công đức thí chủ dưỡng nuôi Linh Kê nên tuy gặp nạn mà như người chỉ mất mát một cánh tay, bần tăng phá lệ lộ bày cùng thí chủ. Đại sự này không còn cho phép thí chủ bâng khuâng lo sợ, phải quyết định tức thời nhanh chóng rời đi. Phương Nam đồng ruộng bao la, con người chân chất hiền lương, là nơi thí chủ có thể sống an nhàn, thanh bạch. Đừng nên nuôi ảo tưởng dựng lại nghiệp đồ to tát. Thế lực, giàu sang sau này nếu thí chủ tái tạo lại, cũng chỉ là con dao thêm một lần tiện cắt đến đôi chân, làm thí chủ đau khổ nữa mà thôi”.
***
Lê Tuấn chưa thực hiện ngay theo lời khuyên bảo của Quán Chiếu Thiền Sư, nhưng trong lòng đã tin vị đại sư khả kính đầy bí mật kia đến bảy tám phần. Lời dặn dò sau cùng của đại sư chàng còn nhớ rõ:
“Những người Tàu ‘Phản Thanh Phục Minh’ dạo trước, sau khi họ thất bại đã cùng nhau kéo thuyền xuôi xuống phương Nam lánh nạn. Họ tìm đến các địa phương đồng bằng có nhiều sông ngòi và đồng ruộng, tiếp giáp biển khơi như Hà Tiên, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau mà lập nghiệp sinh sống. Dân tình tại các thổ ngơi như vậy thường hiếu khách, cởi mở và chất phác, người phương xa đến định cư đều cảm thấy an tâm và dễ hòa nhập vào sinh hoạt của họ. Bần tăng khuyên thí chủ nên lưu tâm đến các địa danh ấy. Thí chủ đã ngược xuôi nam bắc nhiều lần có lẽ kiến thức còn rộng hơn bần tăng. Khi nào thí chủ đã an cư, còn thiện duyên bần tăng sẽ ghé đến uống chung trà vấn an thí chủ”.
Sau đôi lần vào Nam, tìm đến các địa danh hiền hòa ấy để chọn nơi thích hợp cho tương lai, chàng trở về bàn thảo với cha mẹ ý định chuyển dời toàn bộ cơ nghiệp vào “đàng trong”, nhưng dấu bặt chuyện ảo huyền do Quán Chiếu Thiền Sư tiết lộ thiên cơ. Cha mẹ chàng đang lúc gia thế mỗi ngày một phát, việc thương buôn thịnh vượng, dứt khoát không nghe lời chàng. Không ai đang giàu có tiếng tăm, cả kinh thành nể trọng, lại thu dọn tài sản lìa bỏ quê cha đất tổ. Đàng trong nghe đâu nhiều nơi dân chúng còn man rợ, thô lỗ, dân trí thấp kém, làm sao một gia đình danh giá giàu sang như gia đình chàng lại sống chung đụng bọn cùng dân quê mùa chất phác ấy được.
Khó lòng thổ lộ thiên cơ, biết cha mẹ không cách gì lay chuyển, bấy giờ chàng thu dọn gọn gàng lại tư gia. Chim thú phóng sinh, đám gà chọi được nuôi nấng đầy đủ nhưng không đá chém nữa, chủ gà khác đến chuộc bao nhiêu cũng không nhượng bán. Chàng giao trả cửa hàng lại cho cha mẹ, viện lý do vào Nam thăm thú sự tình, đôi ba năm sau mới trở về lại Bắc phương. Mang theo một phần của cải tài sản, chàng cùng hai người đầy tớ thân tín xuôi nam.
Chàng chọn đất Bạc Liêu làm nơi thực hiện dự tính. Dự tính của chàng là đi “nước đôi”. Lập thêm cơ sản phía đàng trong để lỡ khi nước nhà xảy ra đại sự như lời Quán Chiếu Thiền Sư mật lộ, cơ nghiệp đàng trong đàng ngoài đều thiết lập vững, cha mẹ chàng có di cư cả tài sản vào nam thì cơ ngơi nhà cửa bấy giờ đã lo liệu sẵn sàng tươm tất đâu ra đấy. Mấy năm gần đây, sau nạn đói năm Ất Dậu, cuộc chiến chống Pháp, đánh đuổi những người thay mặt Mẫu quốc đã ròng rã gần chín năm, lòng người dân quyết liệt và tinh thần già trẻ ai ai cũng căng thẳng. Loạn lạc trải đổ máu xương là điều không thế nào tránh khỏi khi biến sự. Những lời tiên tri của vị đại sư kia hình như bắt đầu lấp ló sự thật.
1945 Việt Minh cướp chính quyền. Họ Hồ xưng Vương, chủ trương vô sản và cộng sản, tuy là lý thuyết ngoại lai nhưng đánh đúng vào tham vọng của hạng người bất tri bất hoặc nên được đa số tầng lớp nghèo khó bần cùng chạy theo ủng hộ. Lê Tuấn nhìn thời cuộc xáo trộn càng thêm rối rắm mịt mờ. Chàng cương quyết gom góp thêm phần lớn tài sản mang vào Nam lần nữa.
Tại Bạc Liêu chàng đã mua nhiều ruộng đất, đặt người thân tín làm “làng kha” buôn bán lúa gạo cầm chừng, luân lưu số vốn và tạo uy tín dần để làm ăn mai sau. Chuyến vào Nam này, chàng sẽ dốc tiền mua thêm ruộng đất cho thuê và mở một cửa hàng chạp phô trong khu thị tứ tỉnh thành. Ngoài ra, hai căn nhà gạch ba gian mà chàng đã xây cất xong tại xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi cách tỉnh lỵ năm cây số, được mua thêm mẫu đất nối liền, đào ao nuôi cá Phi, trồng tre Mạnh Tông và dừa Lửa, dừa Xiêm chung quanh. Nhìn vào đồ sộ không kém chi bọn địa chủ, cường hào.
Đang tiến hành mọi việc thì có tin sét đánh từ Bắc. Một gia nhân tin cậy của ba chàng, ngày đêm lặn lội tìm vào báo cho biết cha mẹ chàng đã bị đấu tố chết thê thảm khi phong trào “cải cách ruộng đất” đột ngột ban hành. Toàn bộ ruộng đất cho nông dân thuê cày cấy, tài sản, nhà cửa cha mẹ chàng đều bị nhà nước ngoài đó tịch biên. Cơ ngơi, gia sản riêng chàng cùng số phận, họ còn cho lệnh tầm nã chàng và xử khiếm diện chàng trước tòa án Nhân Dân, với kết án chung quyết của nhân dân là “xử tử”. May là trước khi cha chàng bị đội cải cách đến vây bắt đã kịp thời cho người tớ hầu tin cậy vào Nam báo tin và ngăn cản chàng trở về.
Thật là tai bay vạ gởi. Coi như sự sản đồ sộ của gia đình chàng một sớm một chiều tiêu tan thành mây khói. Không những thế, mẹ cha chàng còn bị giết chết tàn nhẫn thảm thương. Run sợ thay cho lời tiên tri ác nghiệt, giờ đây chàng vỡ lẽ ra sự huyền nhiệm thì song thân đã nên người thiên cổ. Chàng chắc gì được yên thân dù đã may mắn thoát thân vào phương Nam ẩn người nơi tỉnh lỵ xa tít nhỏ nhoi này.
Thôi thì chủ tớ thày trò khóc lóc thảm thê, lo liệu việc tang ma giỗ cúng. Vốn người ăn ở hiền lành nên láng giềng chòm xóm biết được đến chia sẻ, thông cảm cho hoàn cảnh bi thương. Đôi người biết chuyện thời thế, khuyên chàng nên dọn ở hẳn trong phố thị tứ tỉnh lỵ. Nhà cửa, ruộng đồng miệt nông thôn nên bán bỏ để tránh hậu hoạn truy lùng.
Từ đó chàng sống ẩn dật với số gia sản bán đi lần hồi. Đặt hai gia nhân theo chàng vào nam dạo trước trông coi cửa hiệu chạp phô làm lợi tức sinh sống. Rồi chàng phiêu hốt tang bồng, đi hết tỉnh này qua quận nọ, nhưng nhất định năm nào cũng ghé đến tịnh thất nơi Phật đường thanh vắng của Thiền sư Quán Chiếu, tĩnh tâm đôi tháng. Chàng đã trở thành một cư sĩ, gần gũi kinh sách Phật nhiều hơn bon chen ngoài thương trường, không ai còn thấy chàng xuất hiện chốn đàn đúm ăn chơi. Sống cuộc đời độc thân giang hồ đó đây, mãi đến khi đất nước chia đôi, dân phương Bắc ào ạt chạy vào trong Nam lánh họa Cộng sản, người ta mới thấy chàng thường xuất hiện nhiều nơi có các trại chứa người di cư mới tới, với tặng phẩm quyên góp mang theo cứu trợ.
Khi chắc chắn có thể sống an thân và tự do lộ diện đi lại, chàng bán đi căn tiệm hàng xén, mua dãy phố lầu trên đường Lê văn Duyệt nằm trong khu phố chính tỉnh lỵ Bạc Liêu, cho thuê chừa một căn để cư ngụ tại đó, dùng căn trước mở hiệu may nhỏ, thuê thợ, bảng hiệu lấy tên là “Nhà May Hà Nội”, rồi lập gia đình sinh con đẻ cái, trở thành lớp người kỳ cựu trong thị tứ. Người phương Bắc nào ghé đến đất Bạc nắng bụi mưa sình, ai cũng đều có lần tìm đến Nhà May Hà Nội để hỏi thăm người đồng hương này về dân tình nơi họ chân ướt chân ráo đặt gót đến lần đầu.
***
Một đêm trước ngày vợ Lê Tuấn sanh, bỗng chàng nằm mơ thấy con Ó Mã Lại. Nghề chọi gà chàng đã bỏ tiệt hẳn từ lâu, thời vàng son đã thuộc về dĩ vãng vậy mà thấy lại nó, lạ thật. Bộ dạng nó trông vẫn oai phong lẫm liệt như ngày nào. Nó cất cao cổ gáy một tiếng dài nghe kiêu hùng mà thanh tươi như chào mừng gặp lại người chủ cũ, rồi nó nói bằng tiếng người với chàng:
“Chủ nhân, khi xưa Người có công cứu sống và nuôi dưỡng tôi lại còn yêu quý tưng tiu như con mình. Chẳng may phu nhân ra tay ác độc bất ngờ, nửa đêm xông khói ngãi độc rồi thả chồn đói vào mong vật chết tôi. Con chồn hôi ấy cho dù gặp lúc tôi kiệt lực vì khói mê, xúc phạm đến tôi cũng phải bỏ mạng theo cùng. Chính vì đột ngột ra đi nên thời gian đền đáp ơn Người chưa đầy đủ. Nay đã đến lúc thuận tiện, tôi trở lại đền ơn Người cho trọn vẹn nghĩa ân. Thiên cơ có điều lộ được, có việc không, tôi chỉ báo cho Người biết đến thế thôi”.
Giật mình tỉnh mộng, chàng thật hoang mang.
Sáng tinh sương hôm sau, vợ chàng hạ sinh cho chàng thêm đứa con gái thứ hai. Chàng đặt tên cho con là “Bích Hợp”. Bích còn có nghĩa là toàn bích như ngọc. Hợp có nghĩa là sum họp sum vầy, “Châu về Hợp phố”. Không biết chàng có nghĩ gì đến giấc mộng ứng đêm qua không mà lựa nghĩa đoàn viên tốt đẹp đặt tên cho con.
Chung quanh khuôn viên khu nhà bảo sanh là “Xóm Đá Gà”, xóm xuất phát nhiều tay chơi gà chọi lẫy lừng, có hai người nổi tiếng mà chàng nghe danh là Giáo Thời, Giáo Long. Tiếng gà giấc sáng tinh sương bỗng gáy rân cả xóm khi đứa bé sơ sinh vừa oe oe khóc tiếng chào đời.
***
1975, miền Nam lại lọt vào ách đô hộ Cộng sản. Bộ mặt thật của lũ đương quyền nhân danh thống nhất nước nhà, không lâu đã lộ bày như loài ác quỷ lừa đảo, tàn ác khủng khiếp nhất. Từ Bắc chí Nam thiên hạ như nước vỡ bờ, bương bã băng rừng lội suối, vượt biển trèo non, xuyên ngàn lách ngọn... cả triệu dân lành tìm đường lánh thoát ngục địa Cộng sản. Quốc nạn ấy kéo dài mãi hơn mười lăm năm sau còn chưa dứt.
Nước Hoa Kỳ, ở tiểu bang California tập trung người Việt Nam tị nạn đông đảo nhất, xây lên một thành phố buôn bán sầm uất được Mỹ quốc đặt tên là Little Saigon. Khoảng năm 2000, Việt kiều nào định cư lâu dài tại đây ai cũng biết đến một nữ ca sĩ thành danh tên Bích Hợp. Khi nghe nàng cất tiếng hát lên những nhạc khúc tình tự non sông, trong lòng người thương nhớ quê hương cảm thấy trăm ngàn mũi kim đao châm chích. Người ta diễn tả tiếng hát của nàng “như tiếng chim gọi cố hương”: sầu thương, ai oán, não nùng...
Muốn biết lai lịch gốc gác nàng, có lẽ quay về tìm hỏi Quán Chiếu Thiền Sư, may ra. Nhưng mới đây, trên một nguyệt san Phật giáo, đọc thấy có đăng trang phân ưu vị Đại Sư Quán Chiếu vừa viên tịch tại Việt Nam.
lê giang trần